Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Luật mới sẽ quy định rõ trách nhiệm việc bỏ quên trẻ trên xe ô tô

Minh Nhật - 11:40, 31/05/2024

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ đều dành 1 điều quy định việc đưa đón trẻ theo hướng quy trách nhiệm cho người bỏ quên trẻ.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ đều dành một điều quy định việc đưa đón trẻ theo hướng quy trách nhiệm cho người bỏ quên trẻ trên xe ô tô
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ đều dành một điều quy định việc đưa đón trẻ theo hướng quy trách nhiệm cho người bỏ quên trẻ trên xe ô tô

Ngày 29/5, bé trai T.G.H. (5 tuổi, trú xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, Thái Bình) bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh dẫn đến tử vong. Đây không phải là lần đầu xảy ra việc bỏ quên trẻ trên xe ô tô, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vậy. Trước đó tại Hà Nội, Bắc Ninh... cũng đã có trẻ tử vong khi bị bỏ quên trên xe.

Thực tế, hiện nay việc quản lý hoạt động vận tải đưa đón học sinh và trẻ mầm non bằng ô tô chưa có bất kỳ quy định nào mà chỉ đơn giản là loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng hợp đồng thông thường.

Chính vì vậy, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) và Luật Đường bộ đang lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã tiến hành “vá” các lỗ hổng này.

Yêu cầu kinh nghiệm đối với tài xế lái xe đưa đón học sinh

Tại dự thảo Luật TTATGTĐB, cơ quan soạn thảo dành riêng cho vấn đề quản lý hoạt động chở trẻ một điều với nhiều nội dung mới.

Cụ thể, dự luật quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non phải đáp ứng các yêu cầu. Trong đó xe phải còn hạn đăng kiểm, có thiết bị giám sát hành trình, nếu xe từ 8 chỗ ngồi trở lên gắn thêm thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.

Thêm vào đó, xe ô tô chở học sinh tiểu học hoặc trẻ em mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định

Khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu một người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi.

Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu hai người quản lý trên mỗi xe ô tô. Không được để trẻ trên xe khi người lái xe và người quản lý đã rời xe.

Cạnh đó, lái xe ô tô đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.

Cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho cho tài xế và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón học sinh của đơn vị mình.

Ngoài ra, xe đưa đón được ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh.

Chiếc xe trong vụ bỏ quên trẻ trên xe ô tô vào ngày 29/5. (Ảnh: CTV)
Chiếc xe trong vụ bỏ quên trẻ trên xe ô tô vào ngày 29/5. (Ảnh: CTV)

Xác định rõ trách nhiệm của từng đối tượng

Trong khi đó, dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT cũng dành riêng một điều để quy định hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô.

Cụ thể, dự luật quy định trường hợp cơ sở giáo dục tự tổ chức hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng quy định về hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô. Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Ngoài ra, để quy định pháp luật được đồng bộ, dự luật ghi rõ: “Hoạt động vận tải đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô phải tuân thủ quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ”.

Theo Bộ GTVT, các quy định trên của hai dự luật đã xác định rõ và phân biệt loại phương tiện đưa đón học sinh với các loại hình kinh doanh vận tải hành khách khác. Có cơ chế để quản lý chặt chẽ đối với các loại phương tiện đưa đón học sinh, nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông.

Đặc biệt, 2 dự luật đã gắn trách nhiệm của đơn vị vận tải, cơ sở giáo dục đào tạo trong tổ chức hoạt động và bảo đảm an toàn giao thông khi đưa, đón học sinh.

Đối với doanh nghiệp, dự luật giúp họ xác định rõ đối tượng tham gia hoạt động vận tải đưa đón học sinh để từ đó có kế hoạch nâng cao chất lượng phương tiện, tài xế để có phương thức quản lý phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình vận chuyển đưa đón học sinh.

“Thêm vào đó, quy định trên phù hợp với các tài liệu khuyến cáo của nhiều chuyên gia an toàn giao thông và của Liên Hợp quốc khẳng định đây là nhóm cần được ưu tiên bảo đảm an toàn trong quá trình tham gia giao thông…”, đại diện Bộ GTVT cho hay.