Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Luật hóa chính sách tôn vinh điển hình trong đồng bào DTTS

Sỹ Hào - 13:24, 29/10/2024

Từ ngày 01/12/2024, Nghị định số 127/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc có hiệu lực thi hành. Nghị định số 127/2024/NĐ-CP đã bổ sung thêm cơ chế đãi ngộ đối với Người có uy tín và một số đơn vị, cá nhân là người DTTS, qua đó từng bước luật hóa chính sách tôn vinh điển hình trong đồng bào DTTS.

Nghị định số 127/2024/NĐ-CP đã bổ sung thêm cơ chế đãi ngộ đối với Người có uy tín và một số đơn vị, cá nhân là người DTTS. (Trong ảnh: Chức sắc tôn giáo, Người có uy tín tiếp cận thông tin từ báo chí để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động. Ảnh: Như Tâm)
Nghị định số 127/2024/NĐ-CP đã bổ sung thêm cơ chế đãi ngộ đối với Người có uy tín và một số đơn vị, cá nhân là người DTTS. (Trong ảnh: Chức sắc tôn giáo, Người có uy tín tiếp cận thông tin từ báo chí để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động. Ảnh: Như Tâm)

Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của nước ta, nghị định có giá trị hiệu lực chỉ sau hiến pháp, luật (bộ luật), nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. So với các hình thức VBQPPL còn lại khác, nghị định có hiệu lực pháp lý cao hơn.

Đối với lĩnh vực công tác dân tộc (CTDT), tính đến thời điểm này, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 (Nghị định 05) vẫn đang là VBQPPL có tính pháp lý cao nhất. Tuy nhiên, một số nội dung tại Nghị định 05 không còn đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn về thực hiện chính sách dân tộc (CSDT) trong tình hình mới; một số nội dung không còn phù hợp với hệ thống văn bản, pháp luật hiện hành liên quan đến lĩnh vực CTDT.

Nghị định số 127/2024/NĐ-CP đã thay thế thuật ngữ “Vùng dân tộc thiểu số” thành “Vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Như vậy, kể từ ngày 01/12/2024 sẽ không còn khái niệm “Vùng dân tộc thiểu số” mà sẽ được thay thế thành “Vùng đồng bào dân tộc thiểu số” với ý nghĩa cụ thể hơn.

Đơn cử, về chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS, Nghị định số 05 quy định, Người có uy tín được bồi dưỡng, tập huấn, được hưởng chế độ đãi ngộ và các ưu đãi khác để phát huy vai trò trong việc thực hiện CSDT ở địa bàn dân cư, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương (Điều 12). Để thể chế hóa quy định này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định về chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS; gần đây nhất là Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018.

Trong Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thăm hỏi, thực hiện các chế độ, chính sách đối với Người có uy tín; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, cung cấp thông tin, tài liệu phù hợp cho Người có uy tín; Hướng dẫn và thực hiện cấp ấn phẩm báo theo quy định.

Đây là quy định được sửa đổi, bổ sung so với quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg. Nhưng để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi thì cần phải sửa đổi, bổ sung quy định về thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong Nghị định 05; bởi, trong Nghị định 05 chưa giao cụ thể cơ quan đầu mối thực hiện. Trong Nghị định số 127/2024/NĐ-CP mới được ban hành đã bổ sung quy định, giao Ủy ban Dân tộc tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết việc thực hiện chế độ, chính sách với Người có uy tín.

Đặc biệt, trong Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH 14 yêu cầu kịp thời biểu dương, tôn vinh, động viên Người có uy tín, doanh nhân, nhà khoa học trong cộng đồng các DTTS có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (điểm g, khoản 4 Điều 1); đã được cụ thể, chi tiết tại Nội dung số 01 của Tiểu Dự án 1 - Dự án 10 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Kể từ ngày 01/12/2024 sẽ không còn khái niệm “Vùng dân tộc thiểu số” mà sẽ được thay thế thành “Vùng đồng bào dân tộc thiểu số” với ý nghĩa cụ thể hơn. Ảnh minh họa
Kể từ ngày 01/12/2024 sẽ không còn khái niệm “Vùng dân tộc thiểu số” mà sẽ được thay thế thành “Vùng đồng bào dân tộc thiểu số” với ý nghĩa cụ thể hơn. Ảnh minh họa

Cơ chế, chính sách tôn vinh điển hình trong vùng đồng bào DTTS đã được luật hóa trong Nghị định số 127/2024/NĐ-CP. Điều 12 của Nghị định đã bổ sung các chế độ, chính sách cho cá nhân, tổ chức tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, người DTTS, hộ DTTS ở vùng đồng bào DTTS bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn hoặc khó khăn đột xuất khác cũng được ngân sách Nhà nước chi thăm hỏi, động viên.

Việc luật hóa chính sách biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi là một bước tiến mới, tạo căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện chính sách ổn định, thống nhất và lâu dài. Hơn nữa, quy định mới tại Nghị định số 127/2024/NĐ-CP sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc trong thực hiện chính sách tôn vinh điển hình trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, nhiều Người có uy tín chưa được lựa chọn từ thôn, bản như cán bộ, chuyên gia người DTTS làm công tác dân tộc đã nghỉ hưu; Người có uy tín nhưng không sống ở địa bàn có tiêu chí bình bầu Người có uy tín sẽ được thụ hưởng chế độ, chính sách, từ đó phát huy hơn nữa vai trò của mình trong củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.