Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lửa thiêng cao nguyên

PV - 15:42, 10/08/2020

Lửa có vai trò quan trọng trong đời sống con người. Ngọn lửa trước sân nhà rông quy tụ mọi người trong những đêm hội của cộng đồng với tiếng chiêng, nhịp trống, điệu múa xoang, ché rượu cần... Ngọn lửa chất chứa bao huyền thoại của vùng đất cao nguyên trong những đêm kể khan của già làng, là biểu tượng cho quyền năng thần bí của Vua Lửa (Pơtao Apuih) từng được lưu trong sử sách.

 Đêm hội buôn làng. Ảnh: HÒA CAROL
Đêm hội buôn làng. Ảnh: HÒA CAROL

Người miền núi từ thời xa xưa không chỉ dựa vào lửa trời mà còn “phát minh”, làm ra ngọn lửa bằng nhiều cách để phục vụ cuộc sống của mình. Cách phổ biến nhất mà nhiều tộc người hay làm là lấy một ống tre ngắn có nắp đậy hoặc may cái túi nhỏ bằng da chó. Trong ống hoặc túi da đó có một miếng sắt dẹp nhỏ bằng ngón tay cái, một miếng đá gan gà có màu nâu và là một ít bùi nhùi. Khi cần có lửa, người ta lấy các thứ đó ra, một tay cầm đá có kèm theo bùi nhùi, tay kia cầm thanh sắt đánh mạnh vào đá thì lập tức bén ra nhiều tia lửa. Tia lửa rơi vào bùi nhùi bắt lửa cháy, bà con lấy một ít lá khô nhóm lên, thế là có một bếp lửa. Cách đó đồng bào gọi là làm quẹt lửa. Bí quyết của nó là phải có thanh sắt được luyện thật tốt (loại không đảm bảo chất lượng thì khó có thể đánh ra lửa) và bắt buộc phải có một viên đá gan gà vì đá đen, đá trắng đánh ít ra lửa. Còn bùi nhùi thì đồng bào chặt cây một vài loại cây rừng, cạo lấy lớp vỏ ngoài của nó bỏ vào túi cho khỏi bị ẩm và để dành dùng dần. Đá gan gà chạm mạnh vào thanh sắt tốt thì sẽ phát ra lửa, gặp bùi nhùi là chất mồi tạo nên ngọn lửa-đó thật sự là cái quẹt lửa nguyên thủy, phổ biến của nhiều tộc người.

Cách thứ hai là kéo lửa từ cây tre khô. Người ta vào rừng tìm một cây tre non thật khô, chẻ ống tre ra thành cái máng. Lấy máng tre đó khoét thành một cái lỗ ở giữa rồi để trên mặt đất và lấy ống tre khác chẻ ra làm thành miếng dát mỏng để kéo lửa. Dùng hai bàn chân giữ chặt hai đầu máng tre và hai tay kéo lát tre qua cái máng. Cứ kéo cò cưa qua lại liên tiếp như kéo đàn nhị cho đến khi đứt dây lát tre khô là có lửa để nhóm hút thuốc, nấu ăn. Cách kéo lửa như thế này được làm vào mùa nắng mới dễ cháy, còn mùa mưa thì hơi khó.


Bếp lửa mang lại sự sống cho mỗi gia đình và cho toàn cộng đồng. Lửa cũng là thứ ánh sáng huyền thoại cháy rực trong đêm sâu thẳm của núi rừng, buôn làng. Trong các ngôi nhà dài truyền thống, mỗi bếp lửa tượng trưng cho một gia đình. Càng nhiều gia đình, nhiều thế hệ sống chung trong ngôi nhà dài thì càng nhiều bếp lửa. Mỗi bếp luôn đỏ lửa sáng trưa, chiều tối, khói bếp bay quyện quanh mỗi mái nhà là hình ảnh thân quen, gợi lên một cuộc sống ấm no. Trên bếp lửa ám khói trong mỗi ngôi nhà còn được bố trí kho lúa, các loại hạt giống và ngay dưới đó, gần về phía bếp lửa hơn là một cái giàn thường được dùng để sấy khô các loại thực phẩm như thịt cá nhằm giữ gìn chúng được lâu dài hơn. Thịt gác bếp là món đặc sản được ưa thích của đồng bào miền núi.

Từ xưa, đồng bào các dân tộc dọc Trường Sơn-Tây Nguyên đã rất có ý thức trong việc kiềm chế thần lửa khi đốt rẫy, dọn đất để canh tác luôn phong phú và được mọi người tuân thủ nghiêm ngặt. Khi đốt rẫy, bà con thường làm một cây đuốc bằng tre khô đập dập, nhét vào giữa cây đuốc một cái lông công, rồi dùng mỡ heo hoặc mỡ trâu bò thoa khắp thân cây tre khô, để lúc đốt lửa không bị tắt mà cháy bốc như đuôi con chim công xòe. Người ta đốt từ ngoài rìa đốt vào, từ chỗ thấp nhất lên chỗ cao. Họ phải báo cho nhau biết thời gian đốt rẫy để ai có rẫy gần nhau thì cùng đốt luôn một lúc. Nếu rẫy được đốt gần buôn làng thì cũng báo cho dân biết để canh chừng khỏi bị cháy làng.

Luật tục Jrai nói rõ về “Tội cố ý làm cháy nhà (buôn, làng, rừng)” như sau: “Nếu châm diêm nó sẽ đốt cháy rừng thưa. Nếu thắp đuốc nó sẽ đốt cháy rừng rậm. Nó châm lửa trong rừng thưa. Nó nhóm lửa trong bãi rậm. Nó đốt lửa trong cỏ khô. Lửa sẽ đốt cháy buôn làng, rẫy lúa, rừng khô, thú vật, đồ đạc, tài sản của người khác. Bởi thế, phải đưa nó ra xét xử”. Luật tục M’Nông có những điều luật quy định việc giữ gìn vốn rừng, đặc biệt là nhắc nhở, khuyên răn mọi thành viên trong cộng đồng không được làm cháy rừng và phải có trách nhiệm dập lửa cứu rừng nếu phát hiện rừng bị cháy: “Rừng bị cháy ta phải giúp dập. Nước chảy tràn ta phải giúp chặn. Chòi bị cháy chỉ một người buồn. Nhà bị cháy cả làng phải buồn. Rừng bị cháy mọi người đều buồn”. Luật tục của đồng bào Tây Nguyên xử phạt rất nghiêm khắc đối với các tội như đốt rẫy làm cháy rừng, đốt rẫy mình cháy lan sang rẫy người khác, tội phát hiện cháy rừng mà không ra tay dập tắt, tội làm cháy chòi canh trên rẫy, tội làm cháy nhà, cháy bản làng... Kẻ gây ra hỏa hoạn, làm thiệt hại đến buôn làng, bị xếp vào loại trọng tội, thậm chí ngày xưa bị làm nô lệ để gán nợ cho gia đình bị hại.

Ngọn lửa là biểu tượng thiêng liêng, làm nên văn hóa, duy trì cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng vốn hiểu biết, kinh nghiệm trong việc tạo ra lửa, giữ lửa, kiểm soát được ngọn lửa và lối ứng xử, luật tục, tín ngưỡng dân gian phong phú đã phần nào soi rọi những nét văn hóa lý thú, vẫn còn giá trị trong cuộc sống hôm nay tại các buôn làng, phát huy những yếu tố tích cực của tập quán cổ truyền, nhất là trong việc giữ và bảo vệ rừng.

Tin cùng chuyên mục