Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lớp học “I Have A Book” ở La Pán Tẩn

PV - 10:19, 16/08/2019

Với mong muốn giúp bà con làm du lịch cộng đồng tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế, anh Giàng A Dê, sinh năm 1989, dân tộc Mông, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã đứng ra mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí tại nhà cho bà con với giảng viên là các vị khách du lịch nước ngoài.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Thái Nguyên năm 2013, Giàng A Dê về làm việc tại chi nhánh Viettel của tỉnh Yên Bái với vị trí nhân viên tư vấn bán hàng tại huyện Mù Cang Chải.

Sau 4 năm làm việc ở chi nhánh Viettel, nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ du lịch cộng đồng, nên năm 2017, Giàng A Dê đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách cùng với số tiền tích cóp được khoảng 700 triệu đồng để mở dịch vụ nhà nghỉ homestay kết hợp các tour du lịch gắn kết văn hóa bản địa.

“Mỗi năm, homestay của tôi đón từ 1.200 đến 1.500 lượt khách du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài. Từ dịch vụ này, đã đem lại cho gia đình thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm”, anh Dê chia sẻ.

Các du khách nước ngoài tham gia giảng dạy tại lớp học tiếng Anh miễn phí của Giàng A Dê. Các du khách nước ngoài tham gia giảng dạy tại lớp học tiếng Anh miễn phí của Giàng A Dê.

Điều đáng quý ở chàng trai dân tộc Mông Giàng A Dê là bằng khả năng nói tiếng Anh cơ bản, được học tập, rèn luyện ngay từ khi còn học trên giảng đường đại học.

Khi có điều kiện cùng với quá trình làm du lịch nhận thấy, phần lớn khách du lịch là người nước ngoài. Do đó, với mong muốn giúp đỡ bà con nghèo trong xã La Pán Tẩn có điều kiện nâng cao hiểu biết, góp phần phát triển kinh tế, du lịch cộng đồng ở địa phương, Giàng A Dê đã đứng ra mở lớp học giao tiếp tiếng Anh cho bà con vào thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần, với đủ các đối tượng từ 9 đến 36 tuổi đang sinh sống trên địa bàn. Lớp học của Dê được duy trì từ tháng 2/2016. Ban đầu chỉ có 9 học viên tham gia, đến nay số lượng đã lên đến 40 học viên, hiện ít nhất 10 học viên đã có thể giao tiếp những câu đơn giản với người nước ngoài.

Em Hảng Thị Chung, sinh năm 1996, dân tộc Mông ở xã La Pán Tẩn, một trong những học viên đang theo học tại lớp, chia sẻ: Trước đây em chỉ theo mẹ đi nương làm ruộng, không biết gì đến sách vở. Nhưng từ khi học ở đây, em đã biết được nhiều thứ hơn, được giao tiếp với người ngoài nước. Điều này khiến em cảm thấy rất thích thú, tự tin hơn và có nhiều dự định trong tương lai.

“Khó khăn lớn nhất là việc một bộ phận học viên lớn tuổi không biết chữ, cho nên chúng tôi dạy học tiếng Anh thông qua các thẻ hình ảnh, như: thẻ hoa quả, thẻ động vật, thẻ màu sắc,… Ban đầu, tôi cùng vợ đứng lớp dạy học. Tuy nhiên, sau này nhận thấy

homestay của mình thường xuyên có một lượng khách du lịch nước ngoài đến, tôi nghĩ tại sao mình không tận dụng chính nguồn lực đó, mời họ làm giáo viên dạy tiếng Anh cho cả người lớn và trẻ nhỏ”, anh Dê nói.

Nghĩ sao làm vậy, trong một lần dẫn tour, anh đã đưa ra ý tưởng của mình và thật may mắn, ý tưởng của anh đã được du khách nước ngoài ủng hộ nhiệt tình.

Anh Dê bảo, thù lao dạy học chẳng có gì ngoài những bữa sáng miễn phí. Đặc biệt, khi thấy lớp học còn thiếu thốn, một du khách người Pháp sau khi đi tour trở về đã gửi tặng anh tủ sách. Thế rồi, mỗi du khách đến đây, mọi người không ngần ngại khi tặng lại cuốn sách, cuốn truyện mà họ mang theo để đóng góp cho tủ sách ngày càng phong phú.

Dê đặt tên cho lớp học của mình là “I Have A Book-Tôi có một cuốn sách”. Anh Dê lý giải rằng, với cái tên này, anh mong muốn học viên khi đã tham gia lớp học sẽ coi lớp học như một phần của mình và có trách nhiệm với chính việc học đó, quan trọng hơn là thay đổi được tư duy của họ đối với việc học, để họ thấy tầm quan trọng của sách.

Chia sẻ về kế hoạch của mình, anh Dê cho biết: Sẽ tiếp tục phát triển lớp học, phát triển tủ sách. Không chỉ vậy, anh sẽ thành lập gian phòng để trưng bày các sản phẩm, dụng cụ, nông cụ địa phương để thu hút khách du lịch. Đặc biệt, hướng tới lựa chọn những học viên xuất sắc để giữ lại làm hướng dẫn viên cho homestay của mình...

HOÀI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...