Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lớp học đặc biệt của cô gái dân tộc Dao

PV - 10:44, 26/02/2019

Sinh ra trong một gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải nghỉ học từ năm lớp 9, nhưng với khát khao và nỗ lực phi thường, một cô gái dân tộc Dao đã giành được học bổng tiếng Anh toàn phần của Chương trình “Giúp đỡ thanh niên nghèo yếu thế”. Điều đáng quý là cô gái Phàn Thị Chấu, ở thôn Lùng Thiềng, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) còn mở một lớp học đặc biệt để dạy ngoại ngữ cho các em nhỏ ở địa phương.

Lớp học đặc biệt do Phàn Thị Chấu tổ chức. Lớp học đặc biệt do Phàn Thị Chấu tổ chức.

Phàn Thị Chấu là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh, chị em. Gia đình Chấu thuộc hộ nghèo của thôn Lùng Thiềng; bố mẹ đều mù chữ, thu nhập chủ yếu của gia đình Chấu chỉ trông chờ vào việc làm ruộng. Gia đình khó khăn nên anh trai và em gái của Chấu đều đi lấy vợ, lấy chồng sớm. Riêng Chấu học hết năm lớp 9 cũng phải nghỉ học khi vừa tròn 15 tuổi.

Không như nhiều bạn đồng trang lứa, nghỉ học sẽ lấy vợ, lấy chồng, Phàn Thị Chấu vẫn luôn khát khao con chữ và luôn ấp ủ tìm kiếm cơ hội. Năm 2015, khi biết thông tin về học bổng tiếng Anh toàn phần thuộc Chương trình “Giúp đỡ thanh niên nghèo yếu thế” của một tổ chức phi chính phủ có tên Highland CDS. Thông qua một người bạn, em đã đăng ký xin dự tuyển và may mắn trúng tuyển, bắt đầu tham gia khóa học từ tháng 8/2015, với thời lượng chương trình là 4 năm, đến nay Chấu đã theo học được 3 năm. Chấu cho biết, trong suốt quá trình học, em đã được trung tâm hỗ trợ chỗ ăn ở.

Để bước xa hơn trên con đường học vấn, năm 2016, Phàn Thị Chấu đã đăng ký thi học bổ túc THPT tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên của tỉnh. Hiện tại, em đang là học sinh lớp 12, của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Một điều đáng quý ở cô gái dân tộc Dao Phàn Thị Chấu là, với mong muốn giúp đỡ các em nhỏ trong thôn Lùng Thiềng không có điều kiện đi học, Chấu đã mở lớp dạy tiếng Anh cho các em nhỏ từ 20 đến 22 giờ vào tất cả các buổi tối trong tuần. Lớp học của Chấu được mở từ đầu tháng 8/2018, ban đầu chỉ có 8 em nhỏ đến lớp, đến nay số lượng đã lên đến 14 em, hiện các em đã có thể tự giao tiếp những câu tiếng Anh đơn giản thông dụng với người nước ngoài.

“Mới đầu, em khá lúng túng và khó khăn làm sao để truyền đạt cho các em dễ hiểu, dễ học. Sau này, em đã nhờ sự giúp đỡ của thầy giáo bên Tổ chức phi chính phủ, tình nguyện viên nước ngoài để giúp các em học phát âm”, Chấu nói.

Chấu gọi lớp học của mình là lớp học đặc biệt. Em lý giải rằng, lớp học này không chỉ đơn thuần là dạy ngoại ngữ cho các em trong thôn Lùng Thiềng, mà còn làm thay đổi tư tưởng của người lớn cũng như các em nhỏ. Bởi ở Lùng Thiềng, phần lớn những ông bố bà mẹ và cả các em nhỏ đều không quan tâm đến việc học tập, không biết được tầm quan trọng, lợi ích của việc có học thức như thế nào. Nhiều gia đình chỉ mong con cái lớn nhanh, đến tuổi lấy chồng gả vợ, có người làm ruộng.

“Chính vì thế, việc đầu tiên cần làm là thay đổi tư tưởng của các bậc cha mẹ về việc học tập của các em nhỏ. Đồng thời dành thời gian để làm quen, trò chuyện với các em hiểu, việc học quan trọng như thế nào, đem lại lợi ích ra sao để tạo động lực cho các em theo học”, Chấu tâm sự.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình dạy học cho các em, Chấu cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của em là chưa có bàn ghế, sách vở và chỗ học ổn định do vậy Chấu phải thường xuyên di chuyển để có địa điểm học tập. Em mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân để cho các em có được một không gian học tập ổn định, giúp các em tiến gần hơn với thế giới rộng lớn bên ngoài.

Phàn Thị Chấu chia sẻ thêm, từ kết quả bước đầu của lớp học em đã nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp hướng tới cộng đồng giúp đỡ các em nhỏ học tập nơi quê hương Lùng Thiềng. Chấu cho biết, sau khi kết thúc Chương trình bổ túc tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện, cùng với sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo và tình nguyện viên của Tổ chức phi chính phủ, em sẽ bắt tay vào việc thực hiện ý tưởng phổ cập tiếng Anh cơ bản cho các em nhỏ tại địa phương.

HOÀI DƯƠNG