Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Lời tri ân” tại di tích Nhà tù Hoả Lò

PV - 10:25, 25/07/2018

Hướng tới Kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018), sáng 20/7/2018, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Lời Tri ân”. “Lời tri ân” được thể hiện như một bông hoa tươi thắm mang ý nghĩa: Sự hy sinh của bao chiến sĩ đã cho đất nước luôn trường tồn, nở hoa... Mặc dù chiến tranh đã đi qua, nhưng những câu chuyện thời hậu chiến vẫn còn day dứt cho tới ngày hôm nay.

“Lời tri ân” tại di tích Nhà tù Hoả Lò Phần nội dung trưng bày thứ hai Lời tri ân là những câu chuyện thời hậu chiến.

Trưng bày chuyên đề “Lời Tri ân” được chia làm 2 nội dung lớn “Trọn một lời thể” và “Lời Tri ân”. “Trọn một lời thề” là những câu chuyện của các chiến sĩ cách mạng khi bị bắt giữ tại Nhà tù Hoả Lò. Tại đây, lần đầu tiên khách thăm quan sẽ được biết và hiểu hơn về hệ thống nhà tù dưới bộ máy cai trị của chính quyền thực dân, đế quốc, về chế độ giam cầm hà khắc mà mỗi chiến sĩ yêu nước đã bất khuất, kiên cường vượt qua. Ở trưng bày này, công chúng sẽ được biết đến câu chuyện của các tù nhân ngày đêm lao động khổ sai, bí mật đào hầm, đóng thuyền chuẩn bị vượt ngục, nhưng gió to, sóng dữ đã đánh chìm những chiếc xuồng gỗ do tù nhân tự tạo...

Nhiều tấm gương anh dũng trong ngục tù như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi… đã có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh, giải phóng dân tộc. Những địa ngục trần gian như Hỏa Lò, Côn Đảo, Khám Lớn… cũng chính là nơi các chiến sĩ yêu nước đã để lại một phần thân thể, là nơi những trái tim thanh xuân đã ngừng đập để giữ vẹn nguyên lời thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.

“Lời tri ân” tại di tích Nhà tù Hoả Lò Các chiến sĩ Cảnh sát cơ động Hà Nội thăm quan trưng bày.

Phần nội dung trưng bày thứ hai-“Lời tri ân”, là những câu chuyện thời hậu chiến, vẫn còn day dứt cho tới ngày hôm nay. Nhiều chiến sĩ may mắn được trở về trong vòng tay của gia đình, đồng đội, nhưng có những người đã mãi mãi ra đi.

Trưng bày sẽ diễn ra từ ngày 20/7/2018 đến 10/9/2018. Với 250 hiện vật, hình ảnh và những câu chuyện cảm động được giới thiệu tại chuyên đề đã khiến người xem như trầm lắng lại khi đứng trước những bức ảnh bạt ngàn các ngôi mộ không tên, không tuổi ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ… sẽ mãi mãi là những chứng tích lịch sử không thể lãng quên của một thời hoa-lửa. Những nghĩa trang ấy còn là nơi yên nghỉ của hàng triệu người lính năm xưa hừng hực khí thế lên đường chiến đấu, giờ quây quần bên nhau, mộ thẳng một hàng.

Cũng tại đây, ngay buổi khai mạc, các đại biểu và khách thăm quan đã được gặp các nhân chứng là các cựu tù chính trị từng bị giam giữ tại các nhà tù Hỏa Lò, Côn Đảo, Phú Quốc, được giới thiệu, trưng bày như: Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (thành viên Ban Chỉ đạo công trình “Ký ức người lính”), ông Lâm Văn Bảng (thương binh 1/4, Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày), ông Nguyễn Tài Triệu (thương binh 2/4)…; thân nhân của các nghĩa sĩ, liệt sĩ tham gia sự kiện “Hà Thành đầu độc”, Tổ chức Việt Nam Quang phục Hội, Khởi nghĩa Yên Bái…

“Lời tri ân” tại di tích Nhà tù Hoả Lò Trưng bày đã thu hút nhiều du khách đến thăm quan, tìm hiểu.

Mỗi tư liệu, hiện vật, hình ảnh được thể hiện trong trưng bày chuyên đề “Lời tri ân” đã giúp khách thăm quan hiểu hơn về những “địa ngục trần gian”, sự hy sinh lớn lao của những người con yêu nước đã ngã xuống vì hai tiếng hòa bình cho dân tộc. Hiểu để trân trọng và tự hào, để ý thức sâu sắc hơn: hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc hôm nay phải đổi bằng tuổi xuân, xương máu của bao lớp cha anh đi trước. Để thế hệ trẻ hôm nay nỗ lực hơn, cố gắng hơn, nhiệt huyết hơn trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước mơ của các anh hùng, liệt sĩ.

HOÀNG VIỆT