Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lợi ích kép từ nông trại Huyfarm

Minh Ngọc - 15:18, 06/12/2021

Sau một thời gian nghiên cứu, tìm tòi và đầu tư làm nông nghiệp, chàng cử nhân ở Chư Păh (Gia Lai) đã biến đất đồi rừng thành trang trại trồng cây ăn quả sạch, kết hợp với du lịch, trở thành điểm check in của nhiều người.

Ông chủ Đàm Quang Huy và cộng sự kiểm tra sản phẩm quýt tại vườn
Ông chủ Đàm Quang Huy và cộng sự kiểm tra sản phẩm quýt tại vườn

Anh Đàm Quang Huy (sinh năm 1991, thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) từng tốt nghiệp Đại học Đà Nẵng - ngành Quản trị kinh doanh vào năm 2014. Sau khi tốt nghiệp, Huy đã có công việc và mức thu nhập khá cao tại một công ty sữa ở Đà Nẵng. 

Năm 2019, Huy quyết định “bỏ phố về làng” để làm trang trại trước sự ngỡ ngàng của cha mẹ và bạn bè. Huy tâm sự, quyết định ấy đã được nung nấu nhiều ngày, trong tâm trí Huy lúc nào cũng ấp ủ ý định làm nông nghiệp hữu cơ ngay trên mảnh đất quê mình. Chính vì thế, Huy từ bỏ thành phố lớn để trở về Gia Lai thực hiện đam mê làm nông nghiệp hữu cơ trên mảnh đất quê hương.

Thu hoạch quýt tại nôgn trại Huyfarm
Thu hoạch quýt tại nông trại Huyfarm

Bắt tay vào làm nông nghiệp, Huy trăn trở, tìm hiểu đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng để tìm ra mô hình nông nghiệp hiệu quả, phù hợp với vùng đất cằn đã không còn phù hợp với cây cà phê. Sau nhiều tháng tìm hiểu, Huy và em gái là kĩ sư nông học biết được giống quýt đường F1 từ tỉnh Bến Tre. Huy thuyết phục gia đình phá bỏ 3 ha cao su già cỗi, kém năng suất để thay thế bằng 3.000 gốc quýt. Vừa trồng, Huy vừa tìm hiểu cách chăm sóc, kinh nghiệm của những hộ trồng quýt ở vùng lân cận để áp dụng cho vườn quýt của mình. Huy cho biết, anh sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ, thuốc tự chế từ sản phẩm tự nhiên để chăm sóc vườn quýt nên giảm được chi phí phân bón, thuốc trừ sâu và quan trọng hơn là cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Thành quả đến thật bất ngờ, trong niên vụ 2020, vườn quýt đã cho mùa quả bói với sản lượng đạt 8 tấn. Với giá bán thời điểm đó là 20.000-30.000 đồng/kg, anh đã thu được hơn 150 triệu đồng từ vườn quýt. Năm 2021, Huy ước tính thu hoạch từ 23-25 tấn quả từ vườn quýt, thu về khoảng 600 triệu đồng. Huy và gia đình còn trồng xen canh thêm nhiều cây khác như sầu riêng, ổi, na, chanh…

Không chỉ làm nông nghiệp, với ý tưởng biến nông trại của mình thành một điểm du lịch xanh, Huy đã phát triển trang trại theo hướng hữu cơ kết hợp du lịch văn hóa cộng đồng. Vào mùa quýt chín, cả một vùng rộng hơn 3ha vàng rực màu vàng của quýt, kết hợp với nắng chiều hay sương sớm buổi sáng tạo nên cảnh đẹp hấp dẫn, rất nhiều người đã tìm đến nông trại Huyfarm để chiêm ngưỡng, chek in, cũng như ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời của mùa quýt chín. Ngoài ra, khách hàng có thể cắm trại và trải nghiệm qua đêm tại vườn.

Ông chủ Đàm Quang Huy và cộng sự giới thiệu về sản phẩm quýt tại vườn
Ông chủ Đàm Quang Huy và cộng sự giới thiệu về sản phẩm quýt tại vườn

Đàm Quang Huy tâm sự: “Tôi thấy nhu cầu du lịch trải nghiệm vườn cây ăn quả, tham quan, chụp ảnh, hái quả và thưởng thức tại vườn đang là xu hướng được khá đông du khách yêu thích. Hơn hết, du lịch cộng đồng đang được khuyến khích để mang lại những trải nghiệm mới với du khách!”

Huy cho biết, việc kết hợp giữa làm nông nghiệp hữu cơ và du lịch cộng đồng đang đem lại hiệu quả khả quan. Không chỉ thế, nông trại của Huy cũng đã tạo việc làm cho hàng chục lao động là người DTTS tại địa phương. Cùng với đó, anh cũng trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện nông nghiệp xanh theo mô hình này để nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo thêm một điểm nhấn tham quan du lịch gắn với nông nghiệp tại huyện Chư Păh và Gia Lai.

Nhiều du khách tìm tới nông trại Huyfarm để tham quan, picnic và checkin vườn cây tuyệt vời này. (Ảnh NV cung cấp)
Nhiều du khách tìm tới nông trại Huyfarm để tham quan, picnic và checkin vườn cây tuyệt vời này. (Ảnh NV cung cấp)

Nói về định hướng trong thời gian tới, Đàm Quang Huy cho biết, anh sẽ hướng tới việc phát triển du lịch bài bản hơn bằng việc đầu tư, quy hoạch lại các khu vực trải nghiệm như khu picnic, cắm trại, tạo nên các sản phẩm và dịch vụ để du khách có thể ở lại lâu hơn để cùng tham gia làm nông nghiệp, thu hoạch trái cây tại vườn.

Bà Võ Hoàng Đan Thanh, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã Ia Nhin (huyện Chư Păh, Gia Lai) cho biết: “Từ mong muốn phát triển dự án nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch của mình, anh Huy đã có những thành công bước đầu tạo nên sản phẩm nông nghiệp phù hợp với xu thế của thị trường. Ngoài ra, anh cũng liên kết với những người dân trên địa bàn để cùng mở rộng, phát triển mô hình nông nghiệp mới, xanh, an toàn hơn!”.