Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lời giải nào cho sinh kế ngư dân?

PV - 09:50, 17/04/2019

Thực trạng khó khăn của không ít ngư dân ở các làng chài, đòi hỏi chính quyền các địa phương ven biển Nam Trung bộ cần phải có giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, mỗi ngư dân cũng cần tự thay đổi nhận thức trong việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản. Và một trong những giải pháp hiệu quả, là việc hình thành nên các mô hình du lịnh ven cửa biển mở ra cơ hội thay đổi nghề nghiệp, phát triển kinh tế cho nhiều làng chài ven biển...

Bài 2: Tìm hướng phát triển bền vững

Hạn chế tàu công suất nhỏ, tăng cường hỗ trợ đóng tàu công suất lớn để vươn khơi xa. Hạn chế tàu công suất nhỏ, tăng cường hỗ trợ đóng tàu công suất lớn để vươn khơi xa.

Linh hoạt trong phát triển

Sau khi hiểu rõ đánh bắt tận diệt chính là làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống tương lai, đến môi trường biển nên từ đầu 2018, ông Lê Văn Bàng ở Cam Hải Đông (Cam Lâm, Khánh Hòa) đã vận động gần chục người chuyên làm nghề đánh bắt bằng giã cào chuyển sang làm bè nổi phục vụ khách du lịch. Để có nguồn thực phẩm, những ngư dân này nhập từ các tàu đánh bắt xa bờ; đồng thời kết hợp với nuôi hải sản bằng lồng bè. Các lồng bè này đều cam kết bảo vệ môi trường biển. Ông Bàng cho biết: Ở hầu hết các tỉnh có biển, ngành Du lịch phát triển rất mạnh. Thế nên, chuyển hướng sang làm du lịch là sáng suốt. Không thể cứng nhắc theo các thói quen cũ được.

Để người dân thay đổi dần nếp nghĩ, UBND xã Cam Hải Đông cũng liên tục vận động ngừng đánh bắt tận diệt, đồng thời khuyến khích các hộ dân làm kinh tế du lịch, kết hợp giữa homestay với chuỗi nhà hàng nổi. Đến tháng 3 năm 2019 đã có hàng chục dự án du lịch lớn hình thành quanh khu vực đầm Thủy Triều, hút về hàng ngàn lao động. Riêng đầu năm 2019, đã có trên 200 thanh niên ở khu vực này được nhận vào làm trong các khu du lịch. Ông Nguyễn Trọng Khương, Chủ tịch UBND xã Cam Hải Đông khẳng định: Xã liên tục kết hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện để đào tạo các nghề cần thiết cho ngư dân. Sau đó chính xã làm cầu nối với các dự án để đưa họ vào làm việc, có thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng, ổn định ngay tại quê hương mình.

Tương tự, tại Quảng Nam, địa phương cũng đã ban hành các kế hoạch hỗ trợ các ngư dân muốn chuyển đổi nghề, ngư trường. Riêng trong năm 2018, đã bắt 41 giã cào vi phạm, phạt trên 100 triệu đồng. Để tiến đến xóa bỏ các tàu cá khai thác tận diệt, bảo vệ được nguồn lợi hải sản, Quảng Nam đẩy mạnh cho vay ưu đãi đóng tàu công suất lớn; hình thành nhiều điểm du lịch ở các khu vực có đông đảo ngư dân sinh sống.

Còn tại Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn cũng đã chỉ đạo các xã phối hợp với Bộ đội Biên phòng rà soát, thống kê toàn bộ phương tiện, đối tượng trên địa bàn thường xuyên có hành vi sử dụng vật liệu nổ, súng điện, giã cào… để quản lý, vận động, tư vấn chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp. Bên cạnh đó, huyện Lý Sơn khuyến khích các chủ tàu lớn kết hợp chặt chẽ với các bạn thuyền để đoàn kết vươn khơi xa, bám các ngư trường lớn vì đánh bắt hải sản chính là nghề chủ lực của Lý Sơn. Các chính sách ưu đãi vươn khơi cũng đang được thực hiện, mang lại lợi ích nhiều mặt cho ngư dân…

Hướng đến bền vững

Để nguồn thủy-hải sản không tiếp tục bị cạn kiệt, nhiều địa phương vạch ra phương hướng phát triển phù hợp, dài hơi. Tại Khánh Hòa, ngày 22/6/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. Địa phương sẽ phát triển ngành thủy sản toàn diện, bền vững.

Trong đó, cùng với đánh bắt xa bờ, tỉnh Khánh Hòa cũng đặc biệt chú trọng công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, xây dựng triển khai thực hiện một số chương trình thả giống ra các vùng nước tự nhiên đối với một số đối tượng thủy sản có nguy cơ cạn kiệt tại các vịnh Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh, đầm Nha Phu, đầm Thủy Triều. Xây dựng Khu bảo tồn biển đảo Nam Yết, đảo Bình Ba, Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào, Khu bảo vệ biển đầm Nha Phú, đầm Thủy Triều. Khôi phục và bảo vệ môi trường sống các loài thủy sản tại vùng nước nội địa trên địa bàn tỉnh. Nhân rộng các mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ dựa vào cộng đồng.

Được xem là tỉnh có nền kinh tế thủy sản phát triển mạnh, Bình Thuận cũng xác định kinh tế biển là ngành mũi nhọn, tạo đột phá giảm nghèo cho hàng ngàn người dân ở các xóm chài, các vùng bãi ngang, vùng khó khăn. Tuy nhiên, không thể phát triển theo các mô hình cũ mà đã đẩy mạnh phát triển ngư nghiệp theo hướng điện đại, tăng năng suất. Ngư dân được hướng dẫn cụ thể chứ không vươn khơi nhỏ lẻ, tự phát. Đánh bắt gắn với dự báo để tránh bớt rủi ro. Không cho đóng mới những loại tàu cá có công suất nhỏ dưới 30CV, kéo giảm dần các phương tiện gây nguy hại nguồn lợi thủy sản như tàu lưới kéo, tàu giã cào…Tập trung cải tạo, nâng cấp các tàu cũ để đánh bắt gần bờ còn các tàu mới phục vụ cho đánh bắt xa bờ.

Để tăng tính kết nối trong phát triển, Bình Thuận còn vận động ngư dân tham gia các tổ, đội để vươn khơi theo lịch trình. Hạn chế các nhóm vươn khơi tự phát, nhỏ lẻ, hoạt động theo sở thích không hiệu quả.

Thuyền trưởng tàu BT 321-QT, ông Nguyễn Chức ở Liên Hương (Tuy Phong, Bình Thuận) chia sẻ: Được hỗ trợ tiền để nâng cấp tàu và hướng dẫn chi tiết cách tránh rủi ro nên ngư dân rất mừng. Sản lượng đánh bắt về đều được ngành thủy sản địa phương liên kết với các chủ vựa, các doanh nghiệp để thu mua nên an tâm...

Có thể thấy, bằng một loạt những giải pháp cụ thể, thiết thực, của chính quyền các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và nỗ lực thay đổi của ngư dân đã từng bước giúp sinh kế của mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho ngư dân, giúp họ yên tâm bám biển sản xuất.

HÀ VĂN ĐẠO