Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Loại hình du lịch nào tăng trưởng “nóng” nhất hậu đại dịch?

PV - 14:05, 28/07/2022

Không chỉ phục vụ nhiều đoàn khách lớn hàng nghìn người trong nước, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng bắt đầu đón những đoàn khách MICE từ thị trường quốc tế trở lại trải nghiệm hậu đại dịch.

Loại hình du lịch nào tăng trưởng “nóng” nhất hậu đại dịch? (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Loại hình du lịch nào tăng trưởng “nóng” nhất hậu đại dịch? (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Ngành kinh tế xanh Việt Nam đang trên đà phục phục hồi mạnh mẽ. Đặc biệt, dịp Hè này hầu hết các công ty lữ hành, đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch đều đang trong tình trạng căng mình phục vụ.

Và MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng), được đại diện nhiều doanh nghiệp khẳng định là lĩnh vực phục hồi tốt nhất, chiếm khoảng 60-70% lượng khách.

“Miếng bánh thơm” của du lịch

Loại hình MICE đang “bùng nổ” giai đoạn này, bởi sau hai năm đại dịch cấm các hoạt động tập trung đông người, các công ty, tập đoàn... cũng muốn bù đắp cho nhân viên những chuyến nghỉ ngơi xả hơi. Đây còn là phúc lợi hàng năm mà nhiều công ty dành cho cán bộ nhân viên của mình.

Vì thế, con số thống kê của nhiều công ty lữ hành lớn cho thấy hiện MICE chiếm từ 60-70% tổng lượng khách của họ. Top 5 điểm đến MICE được lựa chọn nhiều nhất là Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Yên và Đà Lạt, cho hoạt động du lịch kết hợp team building, tổ chức sự kiện, gala dinner.

Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Lữ hành Saigontourist cho biết MICE chiếm tới hơn một nửa lượng khách nội địa của công ty trong dịp Hè 2022. Đơn vị này cũng xác định Hè này là mùa cao điểm có ý nghĩa quan trọng để phục hồi toàn diện ngành du lịch nói chung và hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống Saigontourist nói riêng.

Nhờ thế mạnh sở hữu 900 nhân viên và hàng trăm cộng tác viên toàn quốc, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng cao đột biến, Saigontourist đã xây dựng 160 sản phẩm du lịch trọn gói, combo và triển khai tour đến 25 quốc gia trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu khách mùa cao điểm.

Trong khi đó, theo đại diện Vietravel, tour MICE được các doanh nghiệp lựa chọn chủ yếu là tuyến đường bay đến các thành phố biển như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc, Vũng Tàu, Đà Lạt; hoặc vùng biển phía Bắc như Quảng Ninh, Thanh Hóa.... Một số công ty tổ chức MICE cũng chọn nước ngoài như Singapore, Hàn Quốc...

Ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Vietravel Hà Nội cho hay cả chi nhánh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh của công ty đón hơn 1.430 đoàn MICE trong dịp Hè 2022, tăng trưởng mạnh so với 2019.

Cá biệt như Flamingo Redtours, khách MICE của đơn vị này tăng 500% so với trước dịch. Gần đây, ngày 17/7, Flamingo Redtours đưa đoàn gần 2.000 khách đến Thanh Hóa đi tour 3 ngày 2 đêm, kết hợp sự kiện tổng kết, hội nghị, hội thảo.

Khách MICE thường đông tới vài trăm, thậm chí lên tới cả nghìn người và chi tiêu cao hơn khách đi tour bình thường nên có thể thấy, du lịch MICE là “miếng bánh thơm” đối với hầu hết các công ty du lịch.

MICE cũng là loại hình du lịch mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch nhiều nước nhờ khả năng kết hợp được nhiều hoạt động. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, MICE đang chiếm tỷ lệ khoảng 60% tại các công ty, góp phần lớn giúp đội ngũ nhân viên tái tạo năng lượng, tăng tính đoàn kết, guồng máy vận hành trơn tru…

Cần quy hoạch tổng thể

Không chỉ thu hút lượng lớn khách nội địa, du lịch MICE ở Việt Nam còn hấp dẫn cả với thị trường khách nước ngoài. Như trung tuần tháng Bảy vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã đón đoàn khách 460 người từ Ấn Độ. Đây là một trong những đoàn MICE quốc tế quy mô nhất từ trước đến nay tới Việt Nam. Để ghi dấu sự kiện, thành phố đã tổ chức đón tiếp đoàn tại sân bay và có lễ chào mừng riêng.

Đặc biệt, chính sách MICE của Thành phố Hồ Chí Minh khá cởi mở, hỗ trợ và khuyến khích tặng thưởng đối với doanh nghiệp, bao gồm: chương trình đón tiếp, chào mừng, tặng quà cho thành viên đoàn, hỗ trợ giảm giá vé các điểm tham quan. Trong khi đó, mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển du lịch MICE, nhưng thủ đô Hà Nội đang tỏ ra khá chậm chạp. Đại diện nhiều đơn vị lữ hành đánh giá Hà Nội chưa có địa điểm nào đủ quy mô, hạ tầng để tổ chức và phục vụ chuyên nghiệp cho đoàn khách lớn từ 500-600 khách tới cả nghìn người.

Chính vì thế, theo Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam, ông Vũ Văn Tuyên, khuyến nghị từ năm 2022, thành phố Hà Nội cần có quy hoạch du lịch MICE, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đi khảo sát các địa điểm có thể tổ chức MICE để đưa vào chương trình, kế hoạch triển khai loại hình du lịch này ở chính các doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia trong ngành du lịch, hiện có thể phát triển du lịch MICE một cách hiệu quả nhờ ba xu hướng: Vừa làm việc tại nhà vừa làm việc tại công ty; doanh nghiệp tổ chức cho công ty du lịch, nhưng nhân viên vẫn làm việc trong quá trình đi chơi; làm việc đa năng.

Phó giáo sư, tiến sỹ Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Văn hóa-Du lịch (Trường đại học Văn hóa) nhận định để “chắp cánh” cho du lịch MICE Thủ đô, cần kết nối giữa nhà quản lý với các doanh nhân, doanh nghiệp cũng như bứt phá tư duy của nhà tổ chức sự kiện, diễn đàn… Bên cạnh đó, cần khai thác điểm, thổi hồn vào các sản phẩm nổi bật của Hà Nội.

Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy doanh thu từ MICE mang lại giá trị cao hơn khoảng 4-6 lần các loại hình du lịch khác, nhờ tính chất đặc thù và các loại dịch vụ tiêu chuẩn mà MICE đòi hỏi.

Hơn nữa, các đoàn khách MICE thường là các đối tượng cao cấp hơn so với các đoàn du lịch thông thường và số lượng khá đông. Do đó, cần quy hoạch tổng thể để phát triển du lịch MICE, mang lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi hậu COVID-19 như hiện nay./.