Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lo ngại về biến thể virus mới, nhiều nước thắt chặt phòng, chống dịch

PV - 08:10, 29/11/2021

Tính đến sáng 29/11, thế giới ghi nhận 261.756.353 ca nhiễm COVID-19, với 5.216.989 ca tử vong. Biến thể Omicron với khả năng đột biến mạnh đang lan rộng toàn cầu, khiến nhiều nước đóng cửa biên giới, áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt, đồng thời làm gia tăng thêm những quan ngại trong cuộc chiến chống đại dịch vốn kéo dài gần 2 năm qua.

Sáng 29/11, thế giới ghi nhận 261.756.353 ca nhiễm COVID-19
Sáng 29/11, thế giới ghi nhận 261.756.353 ca nhiễm COVID-19

Về diễn biến cụ thể, số liệu thống kê trên worldometers.info vào sáng 29/11 cho thấy, hiện toàn thế giới có 236.381.226 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 20.158.138 ca bệnh đang điều trị thì có 20.074.260 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 83.878 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.

Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 72.976.391 trường hợp, trong đó có 1.407.011 ca tử vong và 64.338.039 ca được điều trị khỏi. Dịch COVID-19 đang có dấu hiệu “nóng lên” ở châu Âu khi nhiều nước ghi nhận tình trạng tăng vọt số ca mắc và tử vong. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, thêm nhiều quốc gia châu Âu ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron, làm gia tăng những lo ngại về biến thể virus SARS-CoV-2 được cho là “nguy hiểm nhất” kể từ khi đại dịch bùng phát.

Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 29/11, hiện 54,1% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 7,9 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 27 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp chỉ được cải thiện khiêm tốn, hiện ở mức 5,7%.

Ngày 28/11, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh thế giới đang chạy đua để có thể hiểu hơn về biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2, và nếu cần có thể điều chỉnh vaccine để chống lại biến thể này.

Hiện Bắc Mỹ có 58.783.593 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.189.956 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 49.099.590 ca nhiễm và 799.414 ca tử vong vì COVID-19.

Trả lời phỏng vấn trong chương trình “Tuần này” của truyền hình ABC News, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ khẳng định nước này sẽ không thể tránh khỏi lây nhiễm biến thể Omicron dù đến nay chưa ghi nhận ca nào nhiễm biến thể này. Ông Fauci cho biết, các quan chức y tế Mỹ sẽ thảo luận với những người đồng cấp ở Nam Phi, theo đó sẽ cho biết việc hạn chế các chuyến bay sẽ giúp có thêm thời gian để thu thập thông tin và cân nhắc các hành động có thể sẽ được đưa ra.

Tính đến sáng 29/11, Nam Mỹ có 38.951.235 ca nhiễm COVID-19, với 1.181.129 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 22.080.906 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Dù số ca mắc mới theo ngày đã có dấu hiệu thuyên giảm, song châu Á vẫn ghi nhận tổng số ca nhiễm COVID-19 ở mức cao, với 81.960.248 ca. Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron đang khiến nhiều nước trong khu vực tính đến các biện pháp mạnh tay phòng dịch.

Ngày 29/11, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết nước này đang cân nhắc áp đặt thêm các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 lây lan.

Tính đến sáng 29/11, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.718.035 trường hợp, trong đó có 223.354 ca tử vong và 8.115.059 ca bình phục.

Hiện Nam Phi đang đứng đầu khu vực về tổng số ca nhiễm COVID-19, với 8.718.035 ca. Tối 28/11, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa khẳng định sẽ chưa thắt chặt các quy định phòng chống dịch COVID-19 vì sự xuất hiện của biến thể virus SARS-CoV-2 mới mang tên Omicron, nhưng chính phủ nước này đã thành lập một nhóm đặc nhiệm xem xét khả năng bắt buộc tiêm vaccine.

Hiện châu Đại Dương có 366.130 ca nhiễm COVID-19, với 4.201 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 209.145 ca, tiếp theo sau là Fiji với 52.494 ca./.