Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Liên kết vùng sản xuất nông nghiệp ở Mường Kim

Thùy Anh - 12:05, 11/07/2023

Thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, để phù hợp với nhu cầu của thị trường phát triển kinh tế bền vững đang được các địa phương triển khai với nhiều mô hình linh hoạt. Điển hình như mô hình chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp ở xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, những năm gần đây đã giúp người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Nằm trong địa phận cánh đồng Mường Than nổi tiếng Tây Bắc, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, có đến hơn 900 ha diện tích đất nông nghiệp, chủ yếu độc canh cây lúa và một số loại rau màu thông thường.

Từ năm 2019 trở lại đây xã Mường Kim đã đẩy mạnh thực hiện sản xuất vụ Đông, coi đây là vụ sản xuất chính; đồng thời tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, từ đó thực hiện quy hoạch vùng, tạo quỹ đất sản xuất cây trồng có giá trị kinh tế cao… mở rộng diện tích cây trồng được đa dạng hóa. Hiệu quả kinh tế từ một số cây trồng vụ Đông được khẳng định như: Xu hào, bắp cải, khoai lang, khoai tây, ngô, đều đạt và vượt về diện tích, năng suất, sản lượng, đem lại giá trị kinh tế cao, gấp nhiều lần so với trồng lúa và các loại cây rau màu thông thường. Nhiều diện tích cây trồng vụ Đông đã đem lại giá trị kinh tế cho nông dân hàng chục triệu đồng trên 1 ha.

Ông Lò Văn Thắng, Chủ tịch xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu thăm vườn bí của gia đình chị Lò Thị Khương ở bản Nà Khương.
Ông Lò Văn Thắng - Chủ tịch xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu thăm vườn bí của gia đình chị Lò Thị Khương ở bản Nà Khương

Điển hình như mô hình trồng bí xanh xen canh khoai tây trong chuỗi liên kết vùng sản xuất nông nghiệp được áp dụng từ năm 2020 đã giúp người nông dân xã Mường Kim làm tăng hiệu quả kinh tế trên những thửa ruộng quê hương.

Ông Lò Văn Thắng - Chủ tịch xã Mường Kim cho biết: Có một nhóm hộ đã sang học tập kinh nghiệm mô hình trồng bí và chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp ở Sơn La, sau đó họ đã về áp dụng mô hình này cho giống bí xanh Nova09, sau thời gian trồng khảo nghiệm cho năng suất từ 60 - 70 tấn/vụ. Nhận thấy giống bí này có vòng đời thu hoạch nhanh lại cho sản lượng cao, sản phẩm bí quả được Hợp tác xã Anh Đạt có địa chỉ trên địa bàn huyện Than Uyên bao tiêu lâu dài, do đó mô hình được nhân rộng ra 7 ha ban đầu với 18 hộ gia đình tham gia.

Gia đình chị Lò Thị Khương ở bản Nà Khương có hơn 3.000 m2 ruộng, trước kia chỉ trồng lúa nước mỗi năm được khoảng 50 bao thóc và xen canh rau màu theo nhu cầu sử dụng của gia đình. Năm 2022, gia đình chị Khương cùng một số hộ khác trong xã đã mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang trồng bí xanh Nova09 vụ Đông và Đông Xuân, xen canh khoai tây. Áp dụng những kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc của những người làm trước, sản phẩm bí quả cho mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, sản lượng cao, riêng năm 2022 gia đình chị đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nông nghiệp.

Chị Lò Thị Khương nói: Gia đình tôi bắt đầu trồng bí Nova09 từ đầu năm 2022, mỗi năm tôi trồng 2 vụ bí và sen canh 1 vụ khoai tây, năm ngoái thu nhập của nhà tôi được hơn 100 triệu, năm nay gia đình tôi sẽ mở rộng thêm 1.000 m2 trồng bí nữa, nâng tổng diện tích lên là 3.000 m2.

Những giàn bí xanh mát mắt trên cánh đồng xã Mường Kim, huyện Than Uyên, Lai Châu
Những giàn bí xanh mát mắt trên cánh đồng xã Mường Kim, huyện Than Uyên, Lai Châu

Mô hình chuỗi liên kết sản xuất của xã Mường Kim được các gia đình đã thực hiện hình từ năm 2020, sau khi kết quả sản xuất của mô hình có tính bền vững hơn cho người nông dân và hiệu quả kinh tế cao hơn, năm 2022 xã Mường Kim đã mạnh dạn lựa chọn lấy 18 hộ gia đình để đầu tư ban đầu theo Nghị quyết 98 của Cính phủ và Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh Lai Châu về giảm nghèo bền vững. Dự kiến, sang năm 2023, xã sẽ tiếp tục vận động người dân nhân rộng mô hình, nâng tổng diện tích sản xuất với những quy trình sản xuất chặt chẽ hơn, đưa thêm một số kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp giúp người nông dân ở Mường Kim có thu nhập ổn định hơn.

Ông Lò Văn Thắng - Chủ tịch xã Mường Kim chia sẻ: Từ năm 2022, nhận thức về tiềm năng thế mạnh của địa phương, xã Mường Kim đã vận động bà con nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia tăng vụ đông xuân và xen canh các giống cây rau màu khác, thời gian tới xã sẽ tiếp tục cùng bà con nhân dân nhân rộng mô hình nâng quy mô sản xuất lên 10ha, với mong muốn giúp bà con nhân dân gia tăng thu nhập, tinh thần bà con cũng phấn khởi hơn để ổn định làm kinh tế tại quê hương.

Mô hình chuỗi liên kết sản xuất ở Mường Kim là một điển hình về việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành nông nghiệp huyện Than Uyên cũng đã và sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình sang nhiều xã khác, nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Than Uyên cho biết, Hiện nay, không chỉ xã Mường Kim đang thực hiện mô hình chuỗi liên kết sản xuất mà ngành nông nghiệp cũng đã tham mưu lên cấp ủy để vận động Nhân dân mở rộng mô hình chuỗi liên kết sản xuất này ở các xã khác trên địa bàn.

Để đạt được kết quả trên là nhờ sự vận động tích cực của cấp ủy chính quyền các cấp của huyện Than Uyên và sự linh hoạt đồng thuận của bà con Nhân trên địa bàn. Với phong trào Nhà nước và Nhân dân cùng làm, cán bộ đảng viên và Nhân dân nêu cao tinh thần chủ động tích cực, phát huy vai trò gương mẫu, tiên phong trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế, giúp người dân yên tâm sản xuất và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.