Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới

PV - 19:29, 24/06/2022

Nhằm củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn, giúp hoàn thiện Đề án và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nói chung và tiểu vùng Nam Trung Bộ nói riêng, ngày 24/6, tại Khánh Hòa, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Tọa đàm “Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới”.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Tham dự có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số: 39-NQ/TW của Bộ Chính trị; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiểu vùng Nam Trung Bộ, cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu trao đổi, thảo luận kết quả đạt được, hạn chế vướng mắc của các địa phương trong liên kết vùng tạo động lực phát triển. Trên cơ sở phân tích tình hình, bối cảnh mới, những tác động trong nước và quốc tế các đại biểu kiến nghị nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy liên kết tiểu vùng và liên kết vùng, khơi thông nguồn lực, giải quyết các khó khăn, thách thức và tận dụng hiệu quả các lợi thế riêng có của từng địa phương trong tiểu vùng Nam Trung Bộ.

Tăng cường công tác quy hoạch và tổ chức không gian tiểu vùng

Theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì hoàn thiện thể chế liên kết vùng, lấy quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối các hoạt động liên kết vùng; phát huy vai trò điều phối, có tính then chốt và hiệu quả của chính quyền Trung ương; huy động sự tham gia và gắn kết giữa các bên tham gia liên kết vùng trên cơ sở tôn trọng, hài hòa lợi ích, khuyến khích sự linh hoạt và sáng tạo, bảo đảm tạo lập và củng cố tin tưởng lẫn nhau.

Từ đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, cần hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trong vùng miền trung chủ động phối hợp, tạo liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng miền Trung với các vùng khác trong cả nước, nhằm tạo sự thống nhất đồng bộ trong thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển bền vững vùng miền Trung.

Việc lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch vùng, ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan trên địa bàn trên cơ sở bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch, trong đó các địa phương xác định cụ thể các lĩnh vực cần liên kết; hình thành chuỗi giá trị và triển khai thực hiện hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng, xác định đúng tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh và nhận diện cơ hội hợp tác giữa các địa phương.

Cũng liên quan công tác quy hoạch, Bộ Xây dựng cho ý kiến, đảng bộ và chính quyền của 4 tỉnh phải tập trung cho công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là quỹ đất phát triển đô thị.

Quy hoạch và phát triển các vùng đô thị lớn và đô thị bền vững gắn với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, đặc biệt chú ý những vùng kém phát triển, các vùng tụt hậu và các vùng sinh thái tự nhiên nhạy cảm bị tác động và dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu theo hướng xây dựng các vùng đô thị tích hợp, đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, giàu bản sắc và có khả năng chống chịu cao, giữ vai trò tiên phong dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước, các vùng và nông thôn.

Hoàn thiện thể chế liên kết phát triển vùng

Theo nhóm các nhà nghiên cứu Viện Kinh tế xã hội vùng Trung Bộ cần hoàn thiện thể chế liên kết phát triển vùng, trong đó trao thẩm quyền cho Ban Điều phối vùng trong việc phân bổ, theo dõi, đôn đốc thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển của vùng và địa phương. Củng cố và tăng cường sự phối hợp giữa Hội đồng vùng hay Ban Điều phối vùng với các địa phương trong tiểu vùng.

Bên cạnh đó, cơ chế điều phối vùng cần phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo sự gắn kết, phối hợp trong quá trình xây dựng định hướng, chiến lược, quy hoạch và hoạch định chính sách thống nhất giữa các địa phương trong tiểu vùng. Tăng cường cơ chế theo dõi, đánh giá, giám sát và chế tài để ràng buộc các cấp cơ quan địa phương, vùng và Trung ương trong việc thực hiện các chương trình, chính sách liên kết phát triển.

Hiện các địa phương trong tiểu vùng thiếu sự hợp tác, chia sẻ và khai thác nguồn tài nguyên cũng như thực hiện ngăn ngừa và khắc phục các sự cố ô nhiễm môi trường do thiếu các chính sách, quy định cụ thể. Việc liên kết trong quy hoạch sử dụng đất của vùng Trung Bộ và tiểu vùng cũng chưa được đề cập như một nội dung bắt buộc trong việc đánh giá và lập các quy hoạch. Điều này dẫn đến phân bố không gian sử dụng đất thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây ra tình trạng sử dụng đất lãng phí, kém hiệu quả.

Do vậy, trong thời gian tới cần hình thành cơ chế, chính sách nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong Tiểu vùng. Qua đó, bảo đảm sự thống nhất trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là những vấn đề đòi hỏi cần được giải quyết mang tính liên ngành, liên vùng nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề chung và góp phần đáng kể vào tiến trình phát triển bền vững vùng.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ, huy động vốn đầu tư để áp dụng cho vùng, tiểu vùng. Ngoài nghiên cứu chính sách áp dụng chung cho vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, trong chức năng, thẩm quyền các địa phương cần quy định cụ thể chính sách cho phù hợp điều kiện đặc thù của từng địa phương nhưng không trái với quy định hiện hành và các chính sách chung của toàn vùng. Liên kết thu hút đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng phù hợp thế mạnh của từng địa phương.

Từ phân tích thế mạnh của từng địa phương, nhiều chuyên gia đưa ra các giải pháp liên kết thu hút đầu tư phù hợp thế mạnh từng địa phương. Theo TS. Phan Thị Song Thương, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, do đặc điểm của tiểu vùng có những lợi thế cũng như điều kiện phát triển tương đồng nhau nên việc đẩy mạnh phát triển tiểu vùng rất là quan trọng trong thời gian tới. Nhưng các địa phương cần ngồi lại bàn bạc với nhau xem vùng mình có lợi thế gì là nhiều nhất để từ đó có chương trình hợp tác liên kết phát triển cho một ngành hay lĩnh vực hay vài ngành lĩnh vực gì đó phát triển của tiểu vùng.

TS. Phan Thị Song Thương đề xuất cần liên kết phát triển ngành công nghiệp theo hướng thống nhất phân vùng sản xuất công nghiệp và quy hoạch phát triển công nghiệp ở tiểu vùng phù hợp thế mạnh của từng địa phương, có quan hệ hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất - kinh doanh giữa các doanh nghiệp để nâng cao sức mạnh cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng của cả nước, mà trọng tâm là điện hạt nhân và năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời) hay phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản tại tỉnh Bình Thuận.

Liên kết kêu gọi đầu tư phát triển ngành thương mại dịch vụ trong mối quan hệ tác động qua lại giữa thương mại hàng hóa, đầu tư và dịch vụ (nhất là dịch vụ du lịch). Tập trung phát triển các ngành dịch vụ phù hợp các hoạt động đô thị ở lõi trung tâm các thành phố, trên cơ sở huy động tối đa mọi nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp. Liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa các loại hình du lịch, đẩy mạnh phát triển các trung tâm thông tin và tư vấn phát triển du lịch, gắn liền với xây dựng hệ thống an ninh và an toàn du lịch. Tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương trong Tiểu vùng nhằm tạo sự đồng thuận trong hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn.

Nhiều kiến nghị cũng cho rằng cần thúc đẩy liên kết tiểu vùng, nâng cao hiệu quả hoạt động của tiểu vùng, các khu công nghiệp, khu kinh tế biển, khu du lịch gắn với đô thị hóa và xây dựng các hành lang kinh tế, tăng cường liên kết nội vùng và thúc đẩy hội nhập quốc tế...

Với vị trí địa chính trị quan trọng, tỉnh Khánh Hòa xác định một loạt giải pháp, nhiệm vụ cho liên kết vùng; trong đó sẽ ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông, trong đó xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao của vùng.

Đồng thời tỉnh sẽ tăng cường liên kết trong việc huy động vốn đầu tư, trong đó thu hút đầu tư có định hướng và có chọn lọc vào các lĩnh vực quan trọng như công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ công nghệ cao; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao (thương mại, logistic...). Liên kết phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Thường xuyên tổ chức các diễn đàn xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch toàn vùng nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư từ các tập đoàn lớn tạo động lực phát triển vùng.

Liên kết đào tạo nhân lực chất lượng cao

Nhóm các nhà khoa học của Đại học Nha Trang đề xuất thời gian tới để tăng cường liên kết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho tiểu vùng Nam Trung Bộ thì cần xác định rõ những hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế trong việc thực hiện liên kết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, từ đó là cơ sở để mỗi bên liên quan xây dựng các chiến lược và kế hoạch hành động cho phù hợp bối cảnh thực tiễn của mình, đáp ứng được yêu cầu về nhân lực cho tiểu vùng Nam Trung Bộ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội tại địa phương và tiểu vùng. Trước hết, phải gắn nhiệm vụ chung của tiểu vùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương trong việc sử dụng nguồn nhân nhân lực một cách hiệu quả, coi đây là tiêu chí quan trọng đánh giá thực hiện nhiệm vụ của mỗi địa phương.

Trên cơ sở định hướng và mục tiêu phát triển của tiểu vùng, mỗi địa phương, đặc biệt là yêu cầu về chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế theo yêu cầu các Nghị quyết của Trung ương để triển khai thực hiện liên kết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho tiểu vùng. Trên cơ sở đó mới xây dựng kế hoạch, dự báo và đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực của tiểu vùng và mỗi địa phương trong các ngành, lĩnh vực kinh tế. Đây là bước đầu tiên hết sức quan trọng trong việc định hình về yêu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho tiểu vùng nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tiểu vùng nói chung và mỗi địa phương trong tiểu vùng nói riêng.

Các cơ sở đào tạo chủ lực cần nhanh chóng xây dựng các chương trình đào tạo mới, bảo đảm hiện đại, hội nhập, đáp ứng và bám sát yêu cầu và nhiệm vụ phát triển của mỗi địa phương và tiểu vùng Nam Trung Bộ, đặc biệt là các ngành kinh tế biển: năng lượng tái tạo, du lịch biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, thủy sản… trên tinh thần các cơ sở đào tạo cần thực hiện tốt phương châm đào tạo và liên kết đào tạo những gì mà mỗi địa phương và tiểu vùng Nam Trung Bộ cần chứ không đào tạo và liên kết đào tạo những gì mình có. Có như vậy mới đáp ứng được nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho mỗi địa phương và trên bình diện của tiểu vùng.

Đối với các trường cao đẳng và trung cấp nghề cần hợp tác để xây dựng định hướng đào tạo, xây dựng các chương trình đào tạo nghề theo định hướng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và tiểu vùng bảo đảm hiện đại, hội nhập và đáp ứng được ngay yêu cầu sử dụng lao động trong các ngành/lĩnh vực về khoa học kỹ thuật biển, khoa học công nghệ về năng lượng tái tạo, công trình xây dựng biển, cảng biển và Logistics...

Tăng cường đào tạo nghề cho lao động gắn với nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp, mở rộng hợp tác đào tạo theo đơn đặt hàng và theo định hướng phát triển của từng tỉnh trong tiểu vùng. Mục đích đào tạo phải hướng đến thị trường sử dụng, do đó, cần huy động sự tham gia của đơn vị sử dụng lao động vào quá trình hợp tác trong đào tạo. Trong đó, cần chú ý đến vai trò của các doanh nghiệp trong việc liên kết xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp nhu cầu thực tế của yêu cầu sản xuất.

Quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhóm các nhà nghiên cứu Đại học Huế đề nghị tiếp tục tăng cường, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ giảng dạy trong công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức về biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển, đảo và đại dương nói riêng cho mọi tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt là lồng ghép các nội dung kiến thức về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; tài nguyên và môi trường biển…

Phát biểu kết luận buổi Tọa đàm, đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận, biểu dương các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu tham dự. Đồng chí thống nhất cao với các giải pháp của các đại biểu trong liên kết phát triển vùng Nam Trung Bộ ở hoàn cảnh, điều kiện mới như: Cần phải có những bước đi mạnh mẽ hơn nữa về cơ chế điều phối liên kết hiệu quả trong đó Nhà nước đóng vai trò nhạc trưởng; hoàn thiện về thể chế điều phối vùng, chia sẻ định hướng phát triển địa phương trong tổng thể vùng, về lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, về ban hành các cơ chế chính sách để khai thác các tiềm năng lợi thế, phân bổ và bố trí nguồn lực để tăng cường liên kết tiểu vùng và vùng rồi xây dựng các hệ thống thông tin dữ liệu, các định hướng ưu tiên về những liên kết tiểu vùng Nam Trung Bộ cũng như cả vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ… Đồng thời, đồng chí nhấn mạnh việc quan trọng là đổi mới tư duy, quan điểm nhận thức của chúng ta về liên kết vùng.

Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, nếu không tiếp tục đổi mới thì rất khó để nói là sẽ có những sự liên kết cho dù là từ ở cấp độ của từng địa phương, một số địa phương hay của cả tiểu vùng, thậm chí vượt qua giới hạn vùng…

Đồng chí đề nghị Tổ Biên tập sẽ tập hợp ý kiến tại buổi Tọa đàm, phục vụ công tác của Ban Chỉ đạo trong triển khai Tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Các địa phương trong vùng, cơ quan liên quan chắt lọc các kết quả đạt được tại buổi Tọa đàm để tiếp tục thảo luận và trao đổi trong thời gian tới. Bảo đảm quá trình tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW có chất lượng, giúp Trung ương có những nghị quyết phát triển của vùng trong giai đoạn tới thực sự khả thi, khoa học và hiệu quả.

Tiểu vùng Nam Trung Bộ, gồm 4 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có diện tích đất liền 21.440 km2, bằng khoảng hơn 6% diện tích cả nước; là nơi sinh sống của hơn 4 triệu người (bằng khoảng 4% dân số cả nước) với 12 dân tộc của 4 địa phương.

Vùng có quần đảo Trường Sa và thềm lục địa rộng lớn, có ý nghĩa chiến lược về an ninh quốc phòng; có nhiều eo, cửa sông, vũng, vịnh thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, vận tải.

Vùng có điều kiện giao thông thuận lợi so với các vùng của cả nước, có nhiều sân bay, bến cảng, có đường sắt, đường bộ Bắc - Nam đi qua, gần TP. Hồ Chí Minh và vùng là của ngõ của Tây Nguyên ra Biển Đông với đường hàng hải quốc tế.

Tài nguyên khoảng sản của vùng khá phong phú như Crômit, đá vôi xi măng, vùng còn khá nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng từ gió, ánh sáng mặt trời…