Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Liên kết để giữ rừng

PV - 15:46, 24/04/2018

Diện tích rừng của tỉnh Bình Định phân bố rộng, địa hình đồi núi, nhiều nơi xa xôi, cách trở khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

Thời gian qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở Bình Định vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở những vùng giáp ranh giữa các địa phương như, vụ phá hơn 60ha rừng ở huyện An Lão, giáp ranh với huyện Hoài Nhơn, xảy ra vào tháng 9/2017.

Tăng cường công tác phối hợp

Theo Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, vùng rừng giáp ranh giữa 2 huyện An Lão và Hoài Nhơn dài trên 25km, với diện tích đất có rừng gần 5.000ha, gồm gần 2.400ha rừng tự nhiên và hơn 2.500ha rừng trồng thuộc địa bàn giáp ranh giữa xã An Hưng, An Tân, An Hòa (An Lão) với xã Hoài Châu, Hoài Phú, Hoài Sơn (Hoài Nhơn). Đây là điểm nóng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trong những năm qua. Vì thế, lực lượng chức năng 2 địa phương đã ký quy chế phối hợp chia sẻ thông tin, tuần tra, truy quét, phòng chống cháy rừng chung.

Kiểm lâm các địa phương phối hợp tuần tra bảo vệ rừng. Kiểm lâm các địa phương phối hợp tuần tra bảo vệ rừng.

 

Ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão cho biết, qua thực hiện quy chế phối hợp, bước đầu các hành vi xâm hại tài nguyên rừng vùng giáp ranh đã được kiểm soát và ngăn chặn. Trong quý I/2018, lực lượng chức năng 2 địa phương đã tổ chức 21 đợt kiểm tra, truy quét và 15 đợt tuần tra, kiểm soát lâm sản tại các vùng giáp ranh. Hạt Kiểm lâm 2 huyện đã phá hủy 9 lò than, 3 lán trại, 900kg than hầm và bắt giữ một lượng củi lớn giao cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Ngoài ra, Hạt cũng chủ động xây dựng quy chế tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng với huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Nhờ vậy, các vùng rừng giáp ranh giữa xã An Hưng, An Trung, An Dũng, An Vinh, An Toàn (An Lão) và xã Ba Trang, Ba Lế (Ba Tơ, Quảng Ngãi) được bảo vệ tốt hơn.

Tây Sơn cũng là địa phương có nhiều diện tích đất có rừng nằm giáp ranh với các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và thị xã An Khê, Đăk Pơ, K’Bang (Gia Lai). Đây là những vùng có địa hình đồi núi rất hiểm trở, nên các đối tượng thường lợi dụng để xâm hại rừng. Để chủ động bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn đã xây dựng quy chế phối hợp quản lý, tuần tra chung với lực lượng chức năng ở các địa phương có rừng chung đường ranh giới với huyện.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Ơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, cho hay: “Trong 3 tháng đầu năm 2018, lực lượng bảo vệ rừng các bên đã tổ chức 46 đợt tuần tra, kiểm soát, truy quét, qua đó, phát hiện tịch thu gần 1,5m3 gỗ, hủy tại rừng 21 lò than, 14 lán trại, 2.700kg than, cùng nhiều vật dụng như xẻng, cuốc...”.

Duy trì thường xuyên hoạt động tuần tra, kiểm soát

Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Định, đầu năm 2018 đến nay, lực lượng kiểm lâm các địa phương trong tỉnh đã có nhiều thông tin kịp thời, chính xác, phối hợp đồng bộ trong truy quét nên hạn chế được tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Đáng chú ý là tình hình vi phạm về khai thác, vận chuyển lâm sản ở các vùng rừng giáp ranh giữa huyện An Lão-Hoài Nhơn, Hoài Ân-Vĩnh Thạnh, Vân Canh-Đồng Xuân (Phú Yên)… được kiểm soát.

Hiện nay, địa bàn An Lão tình trạng phá rừng đã hạ nhiệt nhưng vẫn có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Vì thế, huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện tiếp tục phối hợp cùng lực lượng chức năng của huyện Hoài Nhơn tăng cường hoạt động bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão: “Khi phát hiện có dấu hiệu xâm hại đến tài nguyên rừng, các tổ công tác của 2 địa phương cần kịp thời phản ánh, báo cáo cho cấp có thẩm quyền và phối hợp tổ chức ngay các biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thường xuyên trao đổi thông tin, kịp thời hỗ trợ nhau khi có vụ việc đột xuất với phương châm hành động là không để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn”.

Có thể nói, nhờ ký kết quy chế phối hợp giữa các địa phương nên các vụ xâm hại về rừng bước đầu được kiểm soát, song lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm cho rằng, không vì thế mà các địa phương lơ là, chủ quan trong công tác bảo vệ rừng. “Thời gian tới, chính quyền các cấp, chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, công an địa phương tập trung quản lý tốt địa bàn ngay từ cơ sở, kiểm soát và ngăn chặn ngay từ đầu việc đưa người, phương tiện, dụng cụ vào rừng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến lâm sản, không để xảy ra tình trạng lợi dụng làm đầu mối tiêu thụ lâm sản trái phép”, ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho hay.

THÀNH NHÂN