Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lên rừng làm “từ mẫu”…

PV - 15:00, 06/04/2018

Ngày bác sĩ Trịnh Đức Thiện về nhận công tác, xung quanh Trạm Y tế xã A Vao (huyện Đakrông, Quảng Trị) là rừng rậm thâm u. Nhìn trước, nhìn sau, chỉ thấy lác đác vài căn nhà sàn của đồng bào dân tộc Pa Kô nằm nép mình dưới tán cây rừng cổ thụ cùng nhiều hủ tục tồn tại dai dẳng...

Hằng ngày chăm sóc vườn thuốc Nam tại Trạm Y tế xã A Vao là niềm vui của bác sĩ Thiện. Bác sĩ Trịnh Đức Thiện tuyên truyền, vận động người dân đến Trạm Y tế khám chữa bệnh.

 

Bác sĩ Trịnh Đức Thiện cho biết, quê bác sĩ ở xã miền núi Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế) nằm giáp ranh với xã A Bung (huyện Đakrông). Cũng chính vì sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Hồng Thủy có đông đồng bào dân tộc Pa Kô, Tà Ôi sinh sống nên bác sĩ Thiện thấu hiểu rằng một khi hủ tục còn đất “bám rễ” thì đời sống của bà con còn luẩn quẩn trong đói nghèo, lạc hậu…

Tháng 11/1998, tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế, bác sĩ Trịnh Đức Thiện trở về quê nhà nghỉ ngơi vài ngày rồi bắt đầu xách ba lô đến với xã A Vao.

Sau vài ngày ổn định nơi ăn, chốn ở, bác sĩ Trịnh Đức Thiện bắt tay vào xây dựng kế hoạch hành động cho riêng mình để triển khai có hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng; phòng các loại bệnh lây truyền theo mùa… Việc đầu tiên mà bác sĩ Thiện bắt tay vào làm ngay là xóa bỏ hoàn toàn việc phụ nữ đến kỳ sinh nở phải tự mình ra dựng lều ở bờ suối. Sở dĩ có hủ tục này vì theo quan niệm của đồng bào thì phụ nữ sinh nở trong nhà hoặc ở trạm y tế rồi mang về nhà đều đem lại sự uế tạp cho gia đình. Cứ đến kỳ sinh nở, chị em phụ nữ tự mang những đồ dùng cần thiết rồi tìm một khoảng đất bằng phẳng cạnh bờ suối để dựng tạm căn lều nhỏ. Khi “vượt cạn” không hề có mặt người thân bên cạnh mà chị em phải tự làm tất cả mọi công việc. Rất nhiều trường hợp tử vong thương tâm cho cả mẹ lẫn con sau khi sinh bởi các loại bệnh tật như hậu sản, uốn ván trẻ sơ sinh, tai biến sản khoa sau sinh…

Hằng ngày chăm sóc vườn thuốc Nam tại Trạm Y tế xã A Vao là niềm vui của bác sĩ Thiện. Hằng ngày chăm sóc vườn thuốc Nam tại Trạm Y tế xã A Vao là niềm vui của bác sĩ Thiện.

Bác sĩ Thiện chia sẻ: Nói xóa bỏ không phải cứ muốn là xóa bỏ được ngay. Những năm đầu vào công tác tại Trạm Y tế xã A Vao, mỗi lần có ca dựng lều bên suối để sinh nở là mình lập tức đến ngay gia đình nhà chồng cũng như gia đình sản phụ để tuyên truyền, vận động rồi thuyết phục họ mang sản phụ về Trạm để được chăm sóc y tế cẩn thận. Không ít gia đình phản đối bởi họ cho rằng đó là “luật tục” của bản làng tồn tại từ lâu đời nên không thể phá bỏ. Mình phải thuyết phục gia đình cho mình được đến lều để chăm sóc y tế cho sản phụ. Sau đó, cứ kiểu “mưa dầm thấm đất” mà thuyết phục bà con dần dần. Mặt khác, mình cất công lặn lội đến từng bản như bản Ro Ró 1, 2, Tân Đi 1,2, 3, A Vao, Ba Lin, Kỳ Nơi, A Sau tìm gặp già làng, trưởng bản, người có uy tín để tuyên truyền, vận động. Bởi hơn ai hết, già làng, trưởng bản, người có uy tín với tiếng nói có “trọng lượng” với dân bản sẽ là mấu chốt để giải bài toán đẩy lùi hủ tục.

Đến bây giờ thì nhiều bản làng của xã A Vao không còn có chuyện phụ nữ dựng lều cạnh suối để sinh nở. Mà nếu có trường hợp cá biệt nào đó thì các y, bác sĩ Trạm Y tế xã A Vao sẽ đến tận nơi để can thiệp cũng như chăm sóc y tế một cách tốt nhất cho sản phụ. Việc thứ hai mà bác sĩ Trịnh Đức Thiện cùng tập thể y, bác sĩ Trạm Y tế xã A Vao làm được trong những năm qua đó là vận động gần 100 % đồng bào dân tộc Pa Kô trên địa bàn xã đến Trạm Y tế xã để khám chữa bệnh chứ không còn chuyện cứ bệnh tật, đau ốm là trường kỳ cúng giàng, cúng ma. Với những trường hợp ở các bản cách xa Trạm Y tế xã khoảng 20-30km như A Sau, Kỳ Nơi, Ba Lin… khi ốm đau, bệnh tật, các y, bác sĩ của Trạm Y tế xã A Vao sẽ trực tiếp đến tận nơi để thăm khám, chữa bệnh.

Đến nay đã trọn vẹn 19 năm gắn bó với mảnh đất A Vao, bác sĩ Trịnh Đức Thiện không nhớ nổi mình đã cứu chữa cho bao nhiều bệnh nhân qua cơn “thập tử nhất sinh”. Giờ đây, dân làng coi bác sĩ như là người thân ruột thịt trong nhà bởi tấm lòng “từ mẫu” không nề hà bất cứ khó khăn nào để cứu giúp bệnh nhân.

Những tháng ngày trên đất A Vao, mặc dù rất vất vả và khó khăn nhưng bác sĩ Thiện cũng đã kịp học xong đại học rồi sau đại học tại Trường Đại học Y dược Huế. Việc học với bác sĩ Trịnh Đức Thiện cũng là để thực hiện tâm nguyện “không bó tay” trước nhiều căn bệnh mà dân bản mắc phải. Tâm nguyện ấy của bác sĩ Trịnh Đức Thiện cũng tựa suối Ăm Păng đang âm thầm mang nước từ nguồn ra bể. Ngày mai, bác sĩ Thiện cùng túi thuốc lại lên đường đến bản gần, bản xa để làm trọn trách nhiệm, nghĩa vụ một lương y bằng tấm lòng của “từ mẫu”.

SỸ HOÀNG