Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lên Nguyên Bình xem người Dao thêu sáp ong

HỒNG PHÚC - 10:26, 30/09/2019

Trên hành trình đến với “Vùng đất của những đổi thay” thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) trong Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, du khách không chỉ được ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ mà còn tận mắt trải nghiệm thêu sáp ong-nét văn hóa độc đáo của người Dao nơi đây.


Hầu hết phụ nữ Dao từ nhỏ đều được các bà, các mẹ dạy nghề thêu, làm những sản phẩm thêu truyền thống của dân tộc. Từng nét hoa văn từ đơn giản đến phức tạp, sản phẩm từ nhỏ như khăn, mũ đến lớn như địu, áo… phụ nữ Dao đều tự làm.

Chu Thị Huyền, năm nay 20 tuổi, thành viên của Nhóm thêu thổ cẩm người Dao xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình cho biết, chị có thể tự làm mọi công đoạn, từ vẽ sáp ong đến thêu thành một sản phẩm hoàn thiện.

Theo chị Huyền, phụ nữ Dao ai cũng phải biết thêu để góp phần giữ gìn được nét đẹp truyền thống của dân tộc. Hiện nay, thanh niên trẻ ở Nguyên Bình đã ý thức giữ gìn được nét đẹp truyền thống của dân tộc, bởi thêu sáp ong không chỉ đáp ứng nhu cầu đặt mua cho du khách, nâng cao thu nhập, mà còn là một hình thức quảng bá du lịch hiệu quả.

Thêu hoa văn sáp ong trên vải thổ cẩm thu hút du khách nước ngoài.
Thêu hoa văn sáp ong trên vải thổ cẩm thu hút du khách nước ngoài.

Sáp ong được thêu lên vải chàm, với mục đích trang trí viền áo, váy tôn lên nét đẹp độc đáo, mang tính thẩm mĩ cao. Mỗi họa tiết, hoa văn trên trang phục đều là biểu trưng của người Dao. Người Dao gửi gắm trong từng đường kim, nét vẽ về các giá trị trách nhiệm với gia đình, dòng tộc, xã hội những ý niệm về vũ trụ, về nhân sinh quan, thế giới quan, về thiên nhiên, về cuộc sống mang đậm triết lý nhân sinh, thể hiện khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Đồng bào Dao lấy sáp ong từ những tổ mật ong rừng đem về, sau khi tách mật sẽ lấy sáp bỏ vào nồi nước rồi đun sôi, lọc lấy phần nước trong. Đun phần trong cho đến khi nước cô đặc, thì đổ ra để nguội khoảng 2-3 ngày sẽ tạo thành một khối sáp mịn. Đun sáp ong phải chú ý độ đậm đặc, bởi đặc quá thì sáp không ăn vải, còn loãng quá in hoa văn sẽ bị nhòe.

Dụng cụ in sáp là tre vót mỏng, được uốn hình tam giác với nhiều kích thước, để tạo các hoa văn khác nhau. Người Dao đặt phần vải màu trắng cần in hoa văn lên trên mặt phẳng như phiến đá, mặt bàn..., dùng đá mài vải cho nhẵn, mịn rồi lấy một phần sáp ong trong khối sáp đun nóng để in. Sáp ong được đặt lên than hoa, để lửa nhỏ đủ độ nóng, in thật ăn vải và rõ nét hoa văn.

Dùng dụng cụ bằng tre nhúng vào sáp ong, vẽ hoa văn theo chủ định lên vải. Sau khi in, phải chờ sáp ong khô rồi đem nhuộm chàm, phơi. Khâu cuối cùng là nhúng vải vào nước sôi để sáp ong tan ra, các hoa văn đã in sẽ hiện ra rõ nét trên nền chàm.

Anh Lê Quang Khải, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Đến Cao Bằng, tôi không chỉ ấn tượng bởi cảnh đẹp, mà còn rất thích văn hóa người Dao ở đây. Tôi rất thích thú khi được tận mắt nhìn quá trình kỳ công in sáp ong lên trang phục. Đây là điểm đến hấp dẫn đặc biệt ít thấy ở những nơi tôi đã đi qua”.

Từ năm 2017, UBND xã Hoa Thám (huyện Nguyên Bình) đã quyết định thành lập Nhóm thêu thổ cẩm xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám. Nhóm gồm 17 thành viên, thực hiện thêu các hoa văn, giới thiệu cách chấm sáp ong, các sản phẩm đến người tiêu dùng.

Qua 2 năm hình thành và phát triển, sản phẩm của Nhóm thêu xóm Nà Chắn đã được giới thiệu tới nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần không nhỏ trong quảng bá du lịch. Sản phẩm đã xuất hiện nhiều tại các hội chợ, được nhiều tổ chức, cá nhân đặt hàng. Việc tiêu thụ được sản phẩm đang góp phần tạo việc làm cho các thành viên với thu nhập bình quân hằng tháng đạt trên 2 triệu đồng/người.