Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lệch chuẩn khi phụ huynh giải quyết bạo lực học đường bằng bạo lực

Minh Nhật - 19:15, 16/04/2024

Các vụ bạo lực học đường xảy ra ngày càng nhiều, không chỉ học sinh bạo hành lẫn nhau, giáo viên bạo hành học sinh, phụ huynh hành hung giáo viên mà không ít phụ huynh bạo hành bạn học của con, đến nỗi phải nhập viện cấp cứu, chuyên gia cho rằng đây thực sự là một hệ quả của một chuỗi các hành vi lệch chuẩn.


Cháu Đ. (học sinh lớp 8) bị đánh dẫn đến chấn thương sọ não, hôn mê.
Cháu Đ. (học sinh lớp 8) bị đánh dẫn đến chấn thương sọ não, hôn mê.

Những vụ việc đau lòng 

Những ngày qua, Công an quận Long Biên (Hà Nội) đang điều tra, làm rõ vụ việc một học sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não tại sân đình Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên.

Theo phản ánh của chị L., chiều 17/3, con trai chị là cháu N.H.Đ. (14 tuổi, đang học lớp 8) chơi bóng rổ tại sân đình Lệ Mật. Trong khi chơi bóng Đ. xích mích với cháu K. (12 tuổi). K. đã gọi anh trai (16 tuổi) và bố tới. Sau đó, K. và anh trai đánh cháu Đ. khiến cháu bất tỉnh tại chỗ. Ngay sau đó, Đ. được đưa đi cấp cứu và trải qua 2 lần phẫu thuật. "Cháu bị chấn thương sọ não nặng, tiên lượng tử vong. Do bị tổn thương quá nặng nên sự sống gần như không còn. Gia đình và các bác sĩ cố gắng duy trì sự sống cho cháu từng ngày bằng máy thở", chị L. thông tin.

Hình ảnh cắt từ clip nữ sinh lớp 7 ở tỉnh Hải Dương bị người nhà bạn cùng trường đánh.
Hình ảnh cắt từ clip nữ sinh lớp 7 ở tỉnh Hải Dương bị người nhà bạn cùng trường đánh.

Trước đó, ngày 24/3, mạng xã hội xôn xao, phẫn nộ với clip một nữ sinh lớp 8 Trường THCS Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) bị nhóm bạn đánh hội đồng dã man. Theo nội dung chia sẻ, một nữ sinh mặc áo đồng phục bị nhóm người đánh hội đồng. Đứng quanh nữ sinh này có một số nam và nữ mặc áo đồng phục chứng kiến. Người quay clip vừa quay vừa bình luận, hoàn toàn không can thiệp. Nữ sinh liên tục bị hai người dùng tay tát, dùng chân và đầu gối thúc vào bụng và mặt. Chỉ khi nữ sinh nói: "Em xin lỗi hai chị, lần sau em không thế nữa", hai người kia mới tạm dừng tay, tuy nhiên vẫn tiếp tục mắng chửi nữ sinh.

Cũng trong ngày 24/3, mạng xã hội chia sẻ thông tin, hình ảnh về việc hai nữ sinh lớp 7 và lớp 9 Trường THCS An Thượng (TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) xích mích trên đường. Sau đó, người nhà của nữ sinh lớp 9 dùng tay tát liên tiếp vào mặt nữ sinh lớp 7 khiến dư luận bức xúc. Thời điểm này, nhiều người dân và học sinh chứng kiến vụ việc nhưng không ai can ngăn. Hiện, sự việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.

Tại Quảng Ngãi vụ việc một học sinh bị phụ huynh của một học sinh cùng lớp khác dùng nắm đấm, cùi chỏ, đầu gối đánh vào những vị trí hiểm yếu khiến em này phải nhập viện cấp cứu và điều trị. Nạn nhân trong vụ việc trên là em L.G.K, học sinh Trường THCS Thị trấn La Hà (Quảng Ngãi).

ThS.Bùi Thị Hậu - chuyên gia tâm lý giáo dục, Giám đốc Trung tâm An Phúc cho rằng, sự việc phụ huynh đánh bạn học của con đến nhập viện, thoạt nghe qua khiến chúng ta không thể nghĩ rằng tại sao một người lớn lại có thể nông nổi và đã có những hành vi gây hấn đến không thể chấp nhận đến vậy. Nhìn từ góc độ khoa học tâm lý, đây thực sự là một hệ quả của một chuỗi các hành vi lệch chuẩn.

Theo ThS.Bùi Thị Hậu, trước hết, sự việc đáng tiếc này xảy ra xuất phát từ việc cha mẹ và học sinh đều chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật cũng như các phương pháp về tự điều chỉnh cảm xúc và hành vi của mình.

Camera ghi lại cảnh cháu K. bị ông P.T.M chặn đường rồi đánh tới tấp đến mức cháu phải nhập viện cấp cứu. Ảnh cắt từ clip.
Camera ghi lại cảnh cháu K. bị ông P.T.M chặn đường rồi đánh tới tấp đến mức cháu phải nhập viện cấp cứu. Ảnh cắt từ clip.


Ở đây, có thể xuất phát từ sự "xót con" khi nghe con kể về chuyện có xô xát nhẹ với bạn học cùng lớp, mà theo như ông bố này, có thể ông bố cho rằng giải quyết như vậy chưa được thỏa mãn, nên ông muốn đi tìm "sự công bằng cho con mình". Và xuất phát từ đó, ông chưa kịp tìm hiểu và lắng nghe ở cả ba bên: bạn học, thầy cô ở trường, các bạn học chung trong lớp…, ông đã chọn cách: xử xự bằng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Nên có thể đối với ông, ông cho rằng: xuất phát từ sự yêu thương con, thấy bất bình cho con, nên ông đã không thể kiểm soát được cảm xúc, nó lấn át qua cả phần lý trí về hiểu biết pháp luật dẫn đến hành vi bạo lực và cuối cùng là làm tổn thương nghiêm trọng đến cháu K.

"Tổn thương này là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng về quyền của trẻ em! Khi bạo lực với người lớn vốn là điều không thể chấp nhận được thì bạo lực với trẻ em lại càng là một đề không thể chấp nhận".

Đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc vì cứ một vài tháng sẽ lại nổi lên một tin tức về bạo lực gần tương đồng này trong xã hội của chúng ta".

Để đảm bảo an toàn cho các em, theo chuyên gia tâm lý Bùi Thị Hậu, đối với cha mẹ, hãy bình tĩnh trong mọi trường hợp. Chúng ta không chỉ làm gương cho một cách giải quyết vấn đề mà chúng ta đang làm gương cho cả một nhân cách thế hệ mai sau. Các bậc cha mẹ hãy bĩnh tĩnh lắng nghe con chia sẻ, hãy hỏi chi tiết lại và tìm cách giải quyết trong hòa bình và khôn ngoan nhất. "Đối với nhà trường, cần có phòng tâm lý học đường với các nhà chuyên môn tốt để mọi mẫu thuẫn có thể phòng ngừa được trước, hơn là tập trung đi giải quyết xung đột bạo lực đã xảy ra. Hãy có những giờ chính khóa cho các bộ môn tâm hồn của trẻ em”


PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội).
PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Khi phụ huynh là 'bệ đỡ', bạo lực học đường bao giờ mới chấm dứt?

Nhiều vụ việc đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng trước sự lạnh lùng, nhẫn tâm của người lớn, khi trực tiếp tham gia (dùng nắm đấm, bạo lực để giải quyết mâu thuẫn cho con mình) hoặc chứng kiến, đồng tình, cổ xuý cho con em mình thực hiện hành vi bạo lực với người khác.

Thực trạng bạo lực học đường, phụ huynh "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với bạn học của con đang ngày càng báo động. PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Trần Thành Nam: Bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng trong đó đáng buồn nhiều vụ việc có sự tham gia của phụ huynh. Điều này có lẽ cũng phản ánh sự căng thẳng trong xã hội nói chung có xu hướng gia tăng, bạo lực trong xã hội cũng có xu hướng gia tăng do những hành vi thiếu chuẩn mực của người lớn.

Nhưng những vụ việc điển hình phụ huynh tham gia hành hung bạn của con có thể còn phản ánh nhận thức sai lệch của phụ huynh về cách làm cha mẹ, cách bảo vệ con cái. Có thể chính những phụ huynh cũng đã bị ảnh hưởng bởi quá nhiều chất liệu bạo lực trong cuộc sống nên chấp nhận các khuôn mẫu ứng xử bạo lực với người khác để bảo vệ quyền lợi của mình.

Chúng ta cũng có thể thấy dường như nhiều phụ huynh không hiểu và không tin vào những quy trình xử lý hành vi bạo lực giữa học sinh với nhau của nhà trường nên tự ra tay. Bản thân những phụ huynh này cũng thiếu giáo dục về kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng giải quyết mâu thuẫn một cách thân thiện.

Đúng là cha mẹ nào cũng cảm thấy xót xa khi con mình bị bắt nạt và tìm cách bảo vệ con. Nhưng những cách thức như trừng phạt lại kẻ bắt nạt bằng bạo lực khắc nghiệt hơn hoặc dùng các mối quan hệ để đuổi kẻ bắt nạt ra khỏi ngôi trường không những không giải quyết được tận gốc vấn đề mà còn đẩy con vào nguy cơ đối diện với những vụ bắt nạt và bạo lực nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Cách bảo vệ con đúng khi chứng kiến bạo lực xảy ra là bình tĩnh can gián, nói chuyện với kẻ bắt nạt để họ biết rằng hành vi đó là sai trái và sẽ dẫn đến hậu quả xấu, đưa kẻ bắt nạt đến người có trách nhiệm trong trường hoặc cơ quan chức năng để báo cáo.

Với con, cha mẹ cũng phải lắng nghe, an ủi và thảo luận về các phương án sắp tới để đảm bảo sự an toàn cho con. Cha mẹ cũng thậm chí phải tìm cách giúp đỡ kẻ bắt nạt bằng cách tìm hiểu lý do dẫn đến hành vi, yêu cầu tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý và hướng đến một cam kết không sử dụng bạo lực trong tương lai.

Hành vi người lớn tiếp tay, tham gia bạo hành học sinh có hành vi không đúng với con mình là vi phạm quyền trẻ em và cũng là hành vi vi phạm pháp luật nên sẽ bị xử lý theo cac quy định của pháp luật.

Phòng chống Bạo lực học đường cần sự chung tay của toàn xã hội
Phòng chống Bạo lực học đường cần sự chung tay của toàn xã hội

Cần giải quyết vấn đề một cách thân thiện

Vì vậy, cha mẹ cần giúp con xây dựng kỹ năng giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột vì tất cả những hành vi bạo lực nghiêm trọng đều bắt đầu từ những mâu thuẫn nhỏ chẳng đáng gì nhưng do các con không biết cách giải quyết vấn đề một cách thân thiện.

Bản thân cha mẹ cũng phải tự cập nhật những kiến thức và kỹ năng nuôi dạy con cái, sử dụng kỷ luật tích cực nêu gương cho con. Cha mẹ cần được trang bị kiến thức để nhận diện sớm các dấu hiệu con cái bị bạo lực hoặc có thể trở thành thủ phạm của bạo lực để có quy trình xử lý, sơ cứu tâm lý khi cần thiết.

Nhà trường có vai trò trung tâm trong việc thiết lập quy trình và hệ thống phòng ngừa bạo lực học đường. Bắt đầu từ việc cải thiện văn hóa học đường, quy tắc hành vi ứng xử trong nhà trường, nội quy rõ ràng, khen thưởng nhất quán. Huấn luyện kỷ luật tích cực và quản lý hành vi lớp học tích cực. Kiểm tra xuất nhập, camera, chiếu sáng hợp lý, đảm bảo an toàn trường học.

Nhà trường cũng phải triển khai các khóa huấn luyện kỹ năng Giải quyết xung đột và chương trình giảng dạy phòng chống bạo lực cho học sinh và giáo viên trong toàn trường. Triển khai chương trình hòa giải ngang hàng (quy trình giúp học sinh giải quyết bất đồng mà không phải đối đầu hay bạo lực). Tăng cường năng lực quản lý lớp học tích cực cho giáo viên trong trường. Xử lý khủng hoảng truyền thông khi có bạo lực nghiêm trọng xảy ra.

Nhà trường phải tổ chức Phòng tư vấn tâm lý một cách hiệu quả, thiết lập vận hành định kỳ công tác đánh giá nguy cơ và sàng lọc toàn trường. Lập quy trình xử lý các mối đe dọa (với giáo viên, học sinh, tài sản nhà trường theo mức độ nguy cơ). Tiến hành can thiệp sớm: Hướng dẫn, sơ cứu tâm lý và tư vấn trị liệu cho cá nhân/nhóm khi cần thiết.