Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lễ hội Rija Nagar - Không gian lan tỏa các giá trị văn hóa Chăm

Bá Minh Truyền - 21:27, 16/05/2023

Rija Nagar là di sản lễ hội được diễn ra đầu tiên vào tháng Giêng theo lịch Chăm (vào khoảng tháng 4 dương lịch), có sự tham gia, hưởng ứng của cộng đồng. Lễ hội Rija Nagar được cả cộng đồng người Chăm Bàni và Chăm Bàlamôn tổ chức. Đây là nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Chăm.

Ông Ka - ing hóa thân Nữ thần Po Nai múa dâng hoa quả
Ông Ka - ing hóa thân Nữ thần Po Nai múa dâng hoa quả

Không gian lan tỏa văn hóa Chăm

Người Chăm theo tín ngưỡng thờ đa thần, trong một năm, người Chăm tổ chức nhiều lễ hội khác nhau. Những người có công lao to lớn đối với làng, khi mất, họ được dân gian phong thần (Yang) và lập đền thờ để thờ cúng. Qua đó, cầu mong thần linh ban cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Mỗi làng Chăm đều có đền thờ những vị tiền hiền có công mở mang, khai khẩn đất đai, tạo dựng làng, tổ chức sản xuất và ổn định đời sống người dân. Họ được thờ phụng trong đền làng như tục thờ thần hoàng của người Việt. Điều này thấy rõ qua các đền thờ mang tên các vị thần như Po Nai, Po Riyak, Po Klaong Kasait, Po Patao Bin Thuer và Po Ina Nagar ở các làng Chăm. Đền thờ làng là nơi diễn ra Lễ hội Rija Nagar, quy tụ người dân, chức sắc và các nghệ nhân dân gian tham gia lễ hội khiến cho không khí ngày hội thêm vui tươi, nhộn nhịp.

Lễ hội Rija Nagar thu hút đông đảo bà con người Chăm tham gia
Lễ hội Rija Nagar thu hút đông đảo bà con người Chăm tham gia

Để chuẩn bị đón Lễ hội Rija Nagar, người Chăm tổ chức vệ sinh môi trường làng, không gian đền thờ - nơi diễn ra các hoạt động lễ hội văn hóa. Đặc biệt, đồng bào chuẩn bị những lễ vật được chế biến từ những sản vật địa phương để dâng lên thần linh và tổ tiên nhằm mục đích tạ ơn, thể hiện triết lý sống nhân văn “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” khắc sâu vào tâm trí của cộng đồng người Chăm.

Nhà lễ (Kajang) dùng làm không gian múa lễ được rào kín 3 mặt ở phía Tây, Nam, Bắc bằng tấm liếp đan tre, chỉ mở một lối ra vào ở phía Đông, mái nhà được lợp tranh tạo bóng mát. Lễ Rija Nagar diễn ra 2 ngày, có các hoạt động dâng lễ vật, múa mừng và trình diễn âm nhạc dân gian.

Chức sắc hành lễ là ông Maduen, sử dụng nhạc cụ trống Baranâng vừa vỗ tạo nhịp vừa hát các bài thánh ca thỉnh mời các vị thần linh đến chứng giám, nhận lễ vật. Song hành với ông Maduen là ông Ka-ing có nhiệm vụ múa lễ. Để đánh nhạc cho ông Ka-ing múa, ngoài trống Baranâng của ông Maduen, còn có nhạc cụ trống Ginang, kèn Saranai và chiêng. Các nhạc cụ được hòa tấu với nhau, tạo thành những giai điệu, tiết tấu vui nhộn. Mỗi vị thần, các nghệ nhân đánh những bản nhạc khác nhau, sự réo rắt, thánh thót của kèn Saranai, nhịp vang mạnh mẽ của trống Ginang kết hợp thanh âm trầm bổng của trống Baranâng mang đến một không gian âm nhạc linh thiêng.

Ông Ka-ing múa trong Lễ hội Rija Nagar
Ông Ka-ing múa trong Lễ hội Rija Nagar

Trong Lễ hội Rija Nagar có rất nhiều thần linh được thỉnh mời đến nhận lễ. Do đó, ông Ka-ing cải trang, hóa thân vào nhiều nhân vật khác nhau. Khi vào vai nữ thần Po Nai, ông Ka-ing thay trang phục nữ nhịp bước chân, các động tác múa nhẹ nhàng, sâu lắng và khoan thai. Tuy nhiên, khi hóa thân vào các nhân vật nam thần, ông Ka-ing thay đổi diện mạo. Vào vai thuỷ thủ Po Tang Ahaok, ông Ka-ing dùng cây mía làm mái chèo biểu diễn động tác chèo thuyền, vượt biển khơi, chiến thắng trước biển cả mênh mông. Nhập vai Po Haniim Par, Po Cei Tathun, ông Ka-ing cầm cây roi mây làm động phi ngựa như đang xông pha vào chiến trường, rồi nhảy vào đống lửa đang cháy để dập tắt. Chiến thắng của ông Ka-ing trước ngọn lửa mang biểu tượng cái nắng nóng, oi bức thất bại với cơn mưa đầu mùa. Đó là những lời ước nguyện, mong muốn của người dân để vụ mùa mới được bội thu. 

Không gian lễ hội Rija Nagar phơi bày, lan tỏa các nét bản sắc đặc trưng của văn hóa Chăm như âm nhạc, vũ điệu, trang phục, ẩm thực, văn khấn và những lời chúc tụng nhau trong một không gian đầy ấp tình cảm cộng đồng.

Trong lễ hội Rija Nagar, đồng bào Chăm đều mặc trang phục truyền thống. Đàn ông mang chăn trắng, đeo dây thắt lưng dệt từ tấm thổ cẩm với nhiều màu sắc, hoa văn, áo quạ, đầu quấn khăn trắng. Phụ nữ mặc váy, áo dài qua đầu gối, đầu quấn khăn, tạo nên sự duyên dáng của phụ nữ Chăm.

Lễ vật dâng cúng thần linh chủ yếu là các sản vật địa phương, các món ăn được chế biến đơn giản như món chè, xôi, bánh ngọt, trái cây, thịt gà luộc, thịt dê luộc, rượu, trứng và trầu cau. Nhưng qua lễ hội, mọi người quây quần bên nhau cùng thưởng thức ẩm thực truyền thống, tạo sự đoàn kết, gắn bó thân thiết. Xây dựng niềm tin say mê lao động, hứa hẹn một vụ mùa mới lại bắt đầu trên cánh đồng.

Gắn kết lễ hội với phát triển du lịch cộng đồng

Trong dịp Lễ hội Rija Nagar, không chỉ riêng cộng đồng người Chăm đến tham gia cúng lễ mà còn có các du khách tìm đến thưởng thức không gian lễ hội. Vì vậy, để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, cần gắn kết Lễ hội Rija Nagar với các hoạt động du lịch, xây dựng tuyến, tour, điểm đến du lịch vào thời điểm người Chăm tổ chức Rija Nagar. Du khách có thể trải nghiệm dâng lễ vật, thưởng thức ẩm thực và không gian trình diễn nghệ thuật ca múa nhạc dân gian Chăm.

Ông Ka-ing đang rót rượu khấn mời thần linh
Ông Ka-ing đang rót rượu khấn mời thần linh

Hoạt động du lịch phát triển, góp phần bảo tồn và phát huy các di sản lễ hội văn hóa. Ngày nay, với xu hướng khai thác di sản để phát triển du lịch được khuyến khích nhằm tôn vinh, trân trọng di sản. Đồng thời, mang đến nguồn sinh kế cho các nghệ nhân, những người đang thực hành và trao truyền di sản có được cuộc sống ổn định. Việc gắn kết Lễ hội Rija Nagar với các hoạt động du lịch là hướng đi mang tính bền vững, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc.