Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lễ hội của người Xtiêng dần mai một

Vũ Tâm - 09:05, 06/10/2020

Xã hội phát triển, sự giao thoa, hội nhập văn hóa ngày càng phát triển, rộng mở giữa các dân tộc, các vùng miền. Bên cạnh những mặt tích cực, thì cũng kéo theo những mặt trái như các phong tục tập quán tốt đẹp đang ngày bị mai một dần. Các sinh hoạt văn hóa cộng đồng như lễ hội, đánh cồng chiêng, uống rượu cần hầu như ít diễn ra.

Lễ hội cầu mưa của người Xtiêng. Ảnh Tư liệu
Lễ hội cầu mưa của người Xtiêng. Ảnh Tư liệu

Già làng Điểu Lên ở sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng (Bình Phước) cho biết: Người Xtiêng trước đây sinh sống chủ yếu dựa vào canh tác lúa nương rẫy. Các nghi lễ, lễ hội được chia thành hai hệ thống: Lễ nông nghiệp, lễ vòng đời. Lễ nông nghiệp thường được tổ chức trước và trong mùa rẫy. Lễ vòng đời được tổ chức sau mùa rẫy. Tùy theo điều kiện kinh tế, người Xtiêng tổ chức theo quy mô gia đình, dòng họ, hay cộng đồng bon, sóc. Lễ vật hiến thần cúng “Yàng” nhỏ là con gà, ché rượu cần, cơm ống, to hơn là trâu, heo, hàng chục ché rượu cần. Thời gian tổ chức một ngày hoặc kéo dài 3 - 7 ngày để tạ ơn thần linh đã phù hộ cho mùa màng được bội thu.

Hiện nay, phương thức canh tác lúa nương rẫy không còn phổ biến, thay vào đó người Xtiêng tập trung vào việc trồng các cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, hồ tiêu… Theo đó, các nghi lễ cúng thần rừng để xin phép được phát rẫy, cúng mừng lúa mới, cúng kho lúa, cúng bàu nước, cúng mừng sức khỏe… không còn diễn ra thường xuyên như trước đây.

Theo khảo sát, hiện chỉ có đồng bào Xtiêng ở thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng duy trì thường xuyên lễ mừng lúa mới vào tháng 12 (âm lịch) hằng năm. Đồng bào Xtiêng ở xã Quang Minh, huyện Chơn Thành tổ chức Lễ hội Phá Bàu, còn lại hầu như các lễ ít được tổ chức theo quy mô bon sóc trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, từ năm 2012 đến nay, mới chỉ phục dựng được lễ hội lập làng mới của người Xtiêng tại xã Thiện Hưng, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bình Phước thực hiện.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc cho rằng, sự thay đổi của hoạt động kinh tế canh tác lúa nương rẫy sang hoạt động công nghiệp kết hợp với thay đổi nhu cầu vật chất hưởng thụ đã làm cho văn hóa người Xtiêng bị mai một dần, đó là điều tất yếu và khó có thể cưỡng lại được. Vì vậy, rất cần sự quan tâm của các ngành, các cấp để văn hóa người Xtiêng mãi mãi trường tồn theo thời gian, là dấu ấn để thu hút khách du lịch đến với Bình Phước mà không trộn lẫn với bất kỳ bản sắc của địa phương nào.