Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Nhóm Phóng viên - 08:14, 25/09/2022

Tối 24/9, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

 Các cô gái người dân tộc Thái tặng khăn Thủ tướng Phạm Minh Chính và các vị đại biểu, khách mời
Các cô gái người dân tộc Thái tặng khăn Thủ tướng Phạm Minh Chính và các vị đại biểu, khách mời

Tới dự buổi Lễ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các Ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Về phía Ủy ban Dân tộc có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh.

Về phía đại biểu khách quốc tế có: Bà Pauline Tamesis - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam; ông Sẻng - Phết Hùng - Bun - Nhuông, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam.

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tham dự sự kiện
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tham dự sự kiện

Phát biểu tại Lễ đón nhận Bằng ghi danh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn khẳng định: “Nghệ thuật Xòe Thái” là hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, được hình thành và phát triển cùng với cộng đồng người Thái; phản ánh sự đa dạng văn hóa, mang thông điệp về sự cởi mở, thân thiện, đoàn kết; là sợi dây gắn kết cộng đồng - cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở khu vực Tây Bắc.

“Tại Kỳ họp lần thứ 16 (tháng 12/2021) của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO đã chính thức ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO hôm nay là dịp để chúng ta tôn vinh di sản với sức sống mãnh liệt, tôn vinh và tri ân những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng và lớp lớp nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại”, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái thông tin.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO

"Trong thời khắc đầy ý nghĩa và xúc động này, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc 4 tỉnh có di sản, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO); các bộ, ban, ngành Trung ương; các địa phương; các tổ chức, cá nhân có liên quan; đã luôn quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ, lưu giữ, trao truyền, bảo tồn, tuyên truyền, quảng bá và phát huy giá trị của “Nghệ thuật Xòe Thái”, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái xúc động nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, phối hợp của các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước; sự đồng tâm, đồng thuận, đồng lòng của đội ngũ nghệ nhân và cộng đồng, để “Nghệ thuật Xòe Thái” mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa trong dòng chảy văn hóa nhân loại, đáp ứng mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và chỉ số hạnh phúc của Nhân dân.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tham dự sự kiện
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tham dự sự kiện

Phát biểu tại buổi Lễ, bà Pauline Tamesis - Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, Nghệ thuật Xòe Thái giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của mọi người. Đó là những bước nhảy nhẹ nhàng hòa quyện với tiếng đàn, giọng hát, tiếng leng keng của những món trang sức bạc treo trên eo của phụ nữ dân tộc Thái. Nghệ thuật Xòe Thái là một nghệ thuật mang tính xã hội tập trung vào mối quan hệ giữa người và người. Nghệ thuật Xòe Thái nhắc nhở chúng ta về những gì quan trọng trong cuộc sống của mình, đó là những mối quan hệ sâu sắc mà chúng ta thiết lập với gia đình, bạn bè, cộng đồng và hơn thế nữa. Bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào điệu múa này, bất kể giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp hoặc địa vị xã hội. Do đó, đây thực sự là một loại hình nghệ thuật mang tính hòa nhập cao.

Bà Pauline Tamesis, nhấn mạnh, Việt Nam có 54 dân tộc và mỗi dân tộc đều có những truyền thống và hình thức sinh hoạt văn hóa riêng. Sự kiện ngày hôm nay cũng đồng thời nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của sự đa dạng và tự do thực hành văn hóa của mỗi người dân trên đất nước Việt Nam. Chúng ta có thể coi sự ghi danh này là cơ hội để cập nhật các chính sách về biểu đạt văn hóa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và hỗ trợ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu tại buổi Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu tại buổi Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

“Chúng ta đang sống trong một thời kỳ với những thay đổi nhanh chóng. Những sự kiện như thế này là cơ hội để chúng ta cùng dừng lại và suy ngẫm. Hôm nay, chúng ta hãy cùng chia sẻ niềm tự hào rằng, điệu múa này không chỉ được vinh danh vì những khán giả có mặt ở đây, hoặc vì cộng đồng người Thái, mà vì toàn thế giới. Bởi đây là một biểu hiện độc đáo của sự sáng tạo văn hóa đa dạng của nhân loại”, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis bày tỏ.

Bà Pauline Tamesis gửi lời chúc mừng và cảm ơn trân trọng tới Chính phủ Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Yên Bái và các tỉnh thành thực hành di sản, Ủy ban Quốc gia về UNESCO, các cộng đồng địa phương và đặc biệt là những người đã góp phần để Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của Nhân loại. Đây là một sự ghi danh hoàn toàn xứng đáng.

Điều phối viên Thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis trao Lễ đón nhận Bằng cho Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông
Điều phối viên Thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis trao Lễ đón nhận Bằng cho Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông

Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhớ lại, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc với những đặc trưng riêng có của từng dân tộc, từng vùng miền. Di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc anh em, là sự hội tụ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, đồng thời là kinh nghiệm, thể hiện thái độ ứng xử của người Việt Nam.

Nói đến vai trò của văn hóa, Thủ tướng nhấn mạnh, Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội.

Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản”
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản”

Để tiếp tục tạo sức sống mới, sự lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ giá trị của nghệ thuật Xòe Thái, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị:

Thứ nhất, chính quyền, Nhân dân và cộng đồng người Thái ở các tỉnh Tây Bắc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp triển khai nghiêm túc, hiệu quả “Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái” theo đúng cam kết với UNESCO. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh chúng ta hãy làm bằng tâm huyết, bằng trái tim, bằng tấm lòng, bằng niềm tự hào, bằng nội lực để những lời ca, âm nhạc của các điệu Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe gậy, Xòe hoa... tiếp tục được nuôi dưỡng, phát triển và lan tỏa ra cộng đồng các dân tộc anh em.

Quang cảnh buổi Lễ đón nhận Bằng ghi danh
Quang cảnh buổi Lễ đón nhận Bằng ghi danh

Thứ hai, giá trị cao đẹp của Nghệ thuật Xòe Thái cần được bảo tồn, phát huy không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Chúng ta cần nhận thức rõ đây là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời có hành động ứng xử xứng tầm. Các cấp, các ngành có liên quan cần có chương trình truyền thông, quảng bá mạnh mẽ, cần vượt qua biên giới Việt Nam, để nghệ thuật này mãi mãi trường tồn và đời đời bền vững; để thế giới biết đến nhiều hơn, yêu quý, trân trọng và kết nối chặt chẽ, hiệu quả hơn với đất nước, con người Việt Nam. Tôi muốn nhấn mạnh, Xòe Thái là hội tụ của nét đẹp văn hóa, nên quảng bá Xòe Thái là trách nhiệm của tất cả chúng ta; góp phần thúc đẩy giao lưu giữa văn hóa truyền thống của dân tộc và văn hóa nhân loại.

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp thiết thực, cụ thể để giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống của các dân tộc nói chung và Xòe Thái nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với văn hóa, con người và lịch sử, góp phần đưa di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Hình tượng “Khau cút” thể hiện nét văn hóa độc đáo trong kiến trúc nhà sàn của người Thái, ẩn chứa những quan niệm sâu sắc về cuộc sống và cội nguồn dân tộc
Hình tượng “Khau cút” thể hiện nét văn hóa độc đáo trong kiến trúc nhà sàn của người Thái, ẩn chứa những quan niệm sâu sắc về cuộc sống và cội nguồn dân tộc

Tại Lễ đón nhận đã diễn ra Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản” - một không gian nghệ thuật vô cùng đặc sắc với những câu chuyện tái hiện cội nguồn của đồng bào Thái và những nét văn hóa độc đáo nhất, tinh túy nhất, đặc sắc nhất trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Thái ở Tây Bắc Việt Nam.

Trong Chương I, “Thiên di - Dựng bản lập mường” là câu chuyện tái hiện truyền thuyết từ hàng ngàn năm trước, thủa “Tạo đi tìm mường”, hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần đã dẫn dắt các họ người Thái làm nên những cuộc thiên di lịch sử. Sau nhiều thế kỷ, tiếp nối đời này qua đời khác, người Thái đã xuôi theo các dòng sông, con suối và những thung lũng trù phú, để dựng bản, lập mường, khai phá những vùng đất mới và tạo nên những cánh đồng lúa rộng lớn “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” của vùng Tây Bắc.

Trong Chương II, "Miền di sản" đã thể hiện những nét văn hóa độc đáo trong đời sống của cộng đồng người Thái Tây Bắc Việt Nam qua những hoạt cảnh: Tắm suối, Hạn Khuống, Đám cưới - Tằng cẩu, Dệt thổ cẩm.

Hình tượng hoa ban nở tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết, bừng sáng của núi rừng Tây Bắc mỗi dịp Xuân về
Hình tượng hoa ban nở tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết, bừng sáng của núi rừng Tây Bắc mỗi dịp Xuân về

Đặc biệt, Chương III, “Tinh hoa Nghệ thuật Xòe” là những màn trình diễn nghệ thuật Xòe Thái rất hoành tráng, đẹp mắt, độc đáo, với sự tham gia của 2.022 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên nghệ thuật chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng; thể hiện qua những hình tượng mang ý nghĩa văn hóa và nhân văn sâu sắc: Hình tượng xòe cộng đồng với các vòng tròn tượng trưng cho 4 cộng đồng người Thái ở các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên, mang thông điệp đoàn kết, giao thoa, chan hòa. Hình tượng vòng thời gian thể hiện giá trị tinh thần độc đáo được lưu truyền ngàn đời trong nghệ thuật Xòe của người Thái. Hình tượng hoa văn thổ cẩm thể hiện ứng xử với thiên nhiên, con người, muôn màu thiên nhiên hòa trong bức tranh thổ cẩm Tây Bắc. Hình tượng “Khau cút” thể hiện nét văn hóa độc đáo trong kiến trúc nhà sàn của người Thái, ẩn chứa những quan niệm sâu sắc về cuộc sống và cội nguồn dân tộc. Hình tượng hoa ban nở tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết, bừng sáng của núi rừng Tây Bắc mỗi dịp Xuân về.

Kết thúc Chương trình, các đại biểu và du khách cùng nắm tay hòa vào những vòng Xòe bất tận, thể hiện tinh thần Đại đoàn kết cộng đồng và chúc mừng Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 thành công tốt đẹp.

Một số hình ảnh tại buổi Lễ

(TIN TS) Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10
(TIN TS) Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 11
(TIN TS) Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 12
(TIN TS) Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 13
(TIN TS) Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 14
(TIN TS) Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 15
(TIN TS) Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 16
(TIN TS) Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 17


Tin cùng chuyên mục
Thị xã Ayun Pa (Gia Lai): Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS

Thị xã Ayun Pa (Gia Lai): Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS

Trong 2 ngày 19 và 20/12, Phòng Dân tộc thị xã Ayun Pa (UBND thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã tổ chức Hội nghị tập huấn phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS năm 2024.