Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lập bản trên vùng đất mới

An Yên - 11:00, 28/05/2025

Mỗi ngày, trên các khu tái định cư của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) lại thấy xuất hiện thêm vài nếp nhà mới. Niềm vui dựng nhà, ổn định cuộc sống dường như đã xua tan bao mệt mỏi, âu lo của những ngày phải sống dưới vùng sạt trượt. Một cuộc sống mới trên vùng đất mới đã thực sự bắt đầu.

Một góc khu tái định cư khe Mò Nừng, bản Xốp Tụ của xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn
Một góc khu tái định cư khe Mò Nừng, bản Xốp Tụ của xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn

Hối hả dựng nhà

Phải nói là qua “chín suối, mười đèo” thì khu tái định cư khe Mò Nừng, bản Xốp Tụ của xã Mỹ Lý mới hiện ra. Một khu tái định cư vừa mới được xây dựng xong cách nay chưa lâu, từ nguồn vốn của Dự án 2, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025… đã được bàn giao cho chính quyền địa phương để tiếp tục thực hiện chia đất ở cho người dân.

Hôm nay, trên khoảnh đất rộng của khu tái định cư khe Mò Nừng, ngoài nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, công trình nước… là 51 thửa đất ở đã được người dân bốc thăm nhận đất, đang được dựng nhà. Dẫu vẫn là những cột, kèo, ván thưng ở ngôi nhà cũ; từ vùng đất cũ sạt lở… nhưng khi di chuyển đến tái định cư ở vùng đất mới, người dân đã bào, đục, đánh sơn vecni… Thế nên, mùi sơn mới, mùi gỗ mới quyện theo mùi mồ hôi hối hả dựng nhà của những tốp thợ, mang đến những sắc thái và cảm nhận khác lạ.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý Lương Văn Bảy chia sẻ: Đã có 8 hộ dựng xong nhà và đã vào ở, 16 hộ đang thi công; số còn lại thì còn dựng móng. Người dân vui lắm, hồ hởi lắm. Còn chính quyền xã cũng như vui lây niềm vui của bà con. Ngoài công việc chuyên môn, anh em chúng tôi đã phân công, cắt cử cán bộ xuống, vừa phụ giúp người dân dựng nhà, vừa giải quyết những sự việc phát sinh.

Người dân hối hả dựng nhà ở khu tái định cư khe Mò Nừng, bản Xốp Tụ của xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn
Người dân hối hả dựng nhà ở khu tái định cư khe Mò Nừng, bản Xốp Tụ của xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn

Cho mãi đến hôm nay, chúng tôi vẫn không thể quên cảnh tất bật dựng nhà ở khu tái định cư Vàng Phao, xã Mường Típ. Với đồng bào Khơ Mú ở Vàng Phao, thì đây hẳn là cuộc di cư lịch sử, nhưng cũng đầy bất đắc dĩ vì phải rời bỏ chốn cũ sau khi bản làng xuất hiện những vết nứt nẻ trên đỉnh núi, đe dọa cuộc sống người dân. Dẫu là thế, thì vẫn không thể khỏa lấp không khí rộn ràng, hồ hởi ở vùng đất mới.

Tái định cư Vàng Phao nằm hoàn toàn trên đỉnh núi, cách đường biên giới Việt-Lào một tầm mắt. Ấn tượng ở Vàng Phao không chỉ là những con đường bê tông nội bản, điểm trường mầm non và tiểu học, hệ thống nước sinh hoạt tự chảy, hệ thống đường điện năng lượng mặt trời… mà còn là những cây anh đào vừa được trồng xuống trên vùng đất biên cương lộng gió.

Hôm gặp chúng tôi, anh Lương Phò Quảng kể: Chính quyền hỗ trợ người dân vận chuyển nhà ở, còn việc dựng lại nhà thì dân tự lo. Chúng tôi phải thuê mượn thợ từ ngoài thị trấn vào mới kịp tiến độ. Lên đây, phải làm lại từ đầu, nên thời gian đầu sẽ rất khó khăn, nhưng cũng sẽ yên tâm hơn vì không còn lo sạt lở như ở chỗ cũ.

Gia đình anh Mùa Bá Tu, bản Sơn Hà xây bờ bao thửa đất nhà mình tại phần đất khu tái định cư dành cho vùng sạt lở xã tà Cạ, huyện Kỳ Sơn
Gia đình anh Mùa Bá Tu, bản Sơn Hà xây bờ bao thửa đất nhà mình tại phần đất khu tái định cư dành cho vùng sạt lở xã tà Cạ, huyện Kỳ Sơn

Câu chuyện vui của những người dân dựng lại nhà trên vùng đất mới, thì cứ nối dài mãi không thôi ở mảnh đất rẻo cao Kỳ Sơn. Mới đây, khi có dịp ghé thăm khu tái định cư dành cho người dân vùng lũ thuộc các bản Hòa Sơn, Sơn Hà, xã Tà Cạ, thì một vùng đất mới để ổn định cuộc sống cho người dân đã rõ hình hài. Cánh thợ điện thì hối hả dựng cột, kéo dây. Còn người dân, chỗ thì lúi húi xây bờ bao, chỗ lại lách cách cưa đục trên mái.

Không dấu nổi niềm vui, vợ chồng anh Mùa Bá Tu, bản Sơn Hà vừa xây bờ bao thửa đất nhà mình, vừa nói rõ to: Sau khi bốc thăm nhận đất, mình đã chuyển nhà cũ lên và chuẩn bị dựng lại nhà. Khi ấy phải mượn thêm thợ, thêm bạn bè, họ hàng đấy. Bà con ai cũng vui, yên tâm vì không còn lo sạt lở như ở chốn cũ.

Rõ ràng, so với chốn cũ, thì chỗ ở mới trên các điểm tái định cư của người dân vùng sạt lở Kỳ Sơn đang ngày một tươm tất hơn, bằng hệ thống nước sinh hoạt tiện lợi, bằng hệ thống cây xanh, đường nội bản sạch đẹp, bằng hệ thống đèn năng lượng mặt trời khang trang, bằng những căn nhà văn hóa chắc chắn…

Thi công hệ thống điện lưới sinh hoạt ở khu tái định cư dành cho người dân vùng lũ xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn
Thi công hệ thống điện lưới sinh hoạt ở khu tái định cư dành cho người dân vùng lũ xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn

Trăn trở chưa nguôi

Nói về cuộc sống của bà con khi đến tái định cư, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Viết Hùng tâm sự: Không chỉ bà con, mà cấp ủy, chính quyền huyện cũng rất hối hả trong công cuộc an cư của người dân. Để tạo thêm bóng mát, chúng tôi đã cho trồng hệ thống cây xanh ở các lối đi, lắp thêm đèn năng lượng mặt trời để thuận tiện cho người dân trong sinh hoạt…

Những khu tái định cư mà chúng tôi kể trên, là hình thức di dân tập trung đến một vùng đất mới. Trước đó, các cấp chính quyền đã phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát địa điểm, thăm dò địa chất, lên kế hoạch chi tiết cho việc xây dựng các hạng mục phụ trợ như đường, điện, nước, nhà văn hóa, hệ thống cây xanh…

Vẫn là lời ông Hùng chia sẻ: Ở vùng đất hơn 98% đất dốc, đồi núi cao lại nhiều sạt lở này, tìm được một vị trí thích hợp cho tái định cư tập trung là rất khó khăn. Ngay như điểm tái định cư dành cho người dân vùng lũ xã Tà Cạ, phải vận hành chủ trương, triển khai xây dựng mất rất nhiều thời gian thì mới xong. Hay, khu tái định cư ở xã Bảo Nam, dành cho người dân vùng sạt lở, thì vẫn tiếp tục sạt lở, buộc phải xin điều chỉnh quy hoạch.

Người dân bản Vàng Phao, xã Mường Típ dựng nhà trên vùng đất mới
Người dân bản Vàng Phao, xã Mường Típ dựng nhà trên vùng đất mới

Nói về điểm tái định cư ở xã Bảo Nam, được xây dựng từ nguồn vốn Dự án 2, Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN thì hãy còn rất ngổn ngang. Dù các cấp chính quyền huyện Kỳ Sơn đã rất nỗ lực, quyết liệt thực hiện để sớm đón người dân đến ở. Nhưng, tại điểm xây dựng tái định cư, vẫn xuất hiện sạt lở, buộc phải xin chủ trương điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp.

Hiện tại, tiến độ thực hiện dự án tái định cư Bảo Nam, tiến độ hiện nay mới đạt 65% nhưng đang xuất hiện 1 số vị trí sạt lở, buộc phải tạm dừng thi công và đang trình Sở Xây dựng điều chỉnh lại cũng như đánh giá lại hiện trạng.

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Viết Hùng tâm sự thêm: Qua khảo sát, vẫn còn nhiều hộ dân nằm trong vùng sạt lở, vùng có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét. Chúng tôi đang cân nhắc, tính toán để tham mưu bố trí tái định cư xen ghép cho người dân. Điều này vừa giảm chi phí đầu tư, vừa dễ dàng tìm đất và thời gian triển khai cũng nhanh hơn so với bố trí tái định cư tập trung như hiện nay.

Cha ông ta từng nói, đại ý rằng: Có an cư thì mới lạc nghiệp. Chừng nào người dân còn trăn trở về chỗ ở của mình, thì chưa thể nghĩ xa hơn là làm cái gì, phát triển kinh tế như thế nào.

Trong câu chuyện với những người có trách nhiệm ở huyện Kỳ Sơn, chúng tôi cảm nhận được nỗi trăn trở chưa bao giờ nguôi về việc tìm đất, lập bản mới cho người dân vùng sạt lở. Câu chuyện tìm đất an cư cứ thế nối dài mãi, như chính câu chuyện tìm kế sinh nhai của người dân ở vùng rẻo cao này.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ninh - Điểm sáng cả nước trong xây dựng nông thôn mới

Quảng Ninh - Điểm sáng cả nước trong xây dựng nông thôn mới

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1013/QĐ-TTg, chính thức công nhận tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024. Đây là kết quả sau 14 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo và sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị và người dân.