Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lào Cai: Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đồng bào DTTS làm du lịch

Nhật Minh (t/h) - 01:24, 15/07/2024

Để thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch, đồng thời góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn, tỉnh Lào Cai sẽ bố trí tối thiểu 11 tỷ đồng/năm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay vốn đầu tư điểm du lịch và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng từ ngân sách cấp tỉnh.

Tái hiện Vũ điệu “Điệu Vạn Phù” mô phỏng tín ngưỡng đối với các cô dâu đồng bào dân tộc Dao trước khi bước vào nhà chồng làm lễ bái đường, thành hôn trong trong khuôn khổ Lễ hội mùa xuân ""Sa Pa - Vùng đất muôn sắc hoa” năm 2024. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Tái hiện Vũ điệu “Điệu Vạn Phù” mô phỏng tín ngưỡng đối với các cô dâu đồng bào dân tộc Dao trước khi bước vào nhà chồng làm lễ bái đường, thành hôn trong trong khuôn khổ Lễ hội mùa xuân "Sa Pa - Vùng đất muôn sắc hoa” năm 2024. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Đây là nội dung của Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về sửa đổi một số nội dung của Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025 đã được Chủ tịch HĐND tỉnh Vũ Xuân Cường ký ban hành ngày 10/7/2024 kèm theo Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND, ngày 9/4/2021 của HĐND tỉnh.

Nghị quyết số 06 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025, gồm: hỗ trợ vay vốn đầu tư điểm du lịch; vay vốn phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng và hỗ trợ câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian tại các điểm du lịch. Sau 3 năm triển khai Nghị quyết, đến ngày 31/5/2024, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã hỗ trợ 322 khách hàng vay vốn phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng trên 31 tỷ đồng. UBND tỉnh đã giao dự toán chính sách hỗ trợ câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian tại điểm du lịch là 975 triệu đồng/11 đội văn nghệ (Bảo Yên 3 đội, Bắc Hà 3 đội, Sa Pa 5 đội).

Thực tế cho thấy, Nghị quyết số 06 đã có tác động tích cực đến phát triển du lịch, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian được thành lập tại các điểm du lịch góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo sân chơi lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân; đồng thời quảng bá những sản phẩm du lịch của đồng bào các dân tộc tới du khách trong và ngoài nước.

Nghị quyết đã góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS; nhất là bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống, làng nghề truyền thống, ẩm thực, dân ca, dân vũ, dân nhạc và các phong tục tập quán khác tạo nên những nét độc đáo riêng của các dân tộc. Từ đó, thu hút khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm. Nghị quyết đi vào cuộc sống đã giúp nâng tầm “thương hiệu” du lịch cộng đồng của tỉnh và Lào Cai được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng với gần 500 cơ sở lưu trú tại gia đang hoạt động trên địa bàn.

Theo chính sách này, tỉnh hỗ trợ vay vốn đầu tư điểm du lịch hằng năm từ ngân sách tỉnh ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lào Cai 6 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên đến nay, chính sách này chưa triển khai đến được các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn để đầu tư nâng cấp, hoàn thiện điểm du lịch theo quy định.

Do đó, Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND được ban hành giúp việc hỗ trợ vay vốn đầu tư điểm du lịch và chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng hiệu quả hơn. Việc kịp thời sửa đổi Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND để đáp ứng đúng thực tế nhu cầu của người dân, tránh lãng phí nguồn vốn vay của Nhà nước; duy trì, nâng cao, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng và hình thành các điểm du lịch đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh.

Khách du lịch trải nghiệm mùa lúa chín tại Y Tý, huyện Bát Xát. Ảnh: Quang Phấn
Khách du lịch trải nghiệm mùa lúa chín tại Y Tý, huyện Bát Xát. Ảnh: Quang Phấn

Là tỉnh vùng cao, biên giới, Lào Cai có 25 thành phần dân tộc cùng chung sống, trong đó DTTS chiếm khoảng 66,2% dân số. Vùng đồng bào DTTS Lào Cai có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế so sánh trong phát triển du lịch.

Với giá trị di sản văn hoá truyền thống mang tính riêng biệt của vùng DTTS đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển du lịch du lịch cộng đồng, tạo nên các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, thu hút đông đảo du khách trong những năm gần đây.

Hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 10 điểm du lịch cộng đồng được công nhận, cùng với đó là hệ thống các làng, thôn, bản có thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch, bao gồm: Điểm du lịch cộng đồng thôn Lao Chải; Điểm du lịch cộng đồng thôn Dền Sáng; Điểm du lịch trung tâm xã Bản Xèo; Điểm Du lịch cộng đồng thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai; Điểm Du lịch Cát Cát; Điểm du lịch thôn Má Tra - xã Sa Pả; Điểm du lịch cộng đồng xã Tả Phìn; Điểm du lịch cộng đồng thôn Sín Chải; Điểm du lịch thôn Choản Thèn; Điểm du lịch xã Nghĩa Đô.

Song song với đó, các dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai tương đối đa dạng, gồm các sản phẩm, dịch vụ chính đó là: Homestay; du lịch văn hóa; du lịch tham quan Ruộng bậc thang; du lịch nông nghiệp và du lịch ẩm thực.

Hiện nay, du lịch cộng đồng đang thu hút khoảng 2.000 lao động tham gia, thu nhập trung bình của các hộ làm du lịch cộng đồng từ 50 - 70 triệu đồng/năm, đặc biệt có hộ đạt 150 - 200 triệu đồng/năm.