Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lào Cai: Thúc đẩy khai thác tiềm năng bản sắc văn hóa vùng cao trong phát triển kinh tế

Trọng Bảo - 10:21, 26/08/2024

Lào Cai là tỉnh vùng cao với trên 66% dân số là đồng bào DTTS, mỗi dân tộc có sự đa dạng, phong phú, đặc sắc về bản sắc văn hóa riêng. Thực hiện Nghị quyết 33- NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. 10 năm qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung thúc đẩy việc bảo tồn và khai thác tiềm năng bản sắc văn hóa các dân tộc, trở thành nguồn lực và động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Các tiết mục văn nghệ truyền thống đang được hụ nữ dân tộc Tày biểu diễn tại chợ đêm Nghĩa Đô
Các tiết mục văn nghệ truyền thống đang được phụ nữ dân tộc Tày biểu diễn tại chợ đêm Nghĩa Đô

Xã Nghĩa Đô được xác định là một trong những điểm đến du lịch cộng đồng của huyện Bảo Yên. Cùng với cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, hiện toàn xã vẫn còn gần 1.100 nhà sàn với đầy đủ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, các giá trị văn hóa trong đời sống vẫn được bà con gìn giữ. Đây là cơ sở để địa phương phát triển loại hình nghỉ dưỡng homestay.

Theo đó, khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển làng nghề, nâng cao chất lượng dịch vụ... là cách mà địa phương đã và đang triển khai nhằm thu hút khách du lịch đến địa bàn, mang lại thu nhập bền vững cho người dân địa phương. Năm 2024, xã Nghĩa Đô được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn là 01 trong 12 mô hình của cả nước về thí điểm thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Theo Quyết định phê duyệt, xã Nghĩa Đô được lựa chọn thí điểm phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Tày.

Theo ông Đỗ Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy xã, xác định du lịch là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế, những năm qua cấp ủy, chính quyền xã Nghĩa Đô đã tập trung mọi nguồn lực, phát huy tối đa nội lực tại chỗ, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, di sản, khai thác hiệu quả những tiềm năng du lịch sẵn có, qua đó từng bước biến những di sản bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS thành tài sản, tài nguyên du lịch vô giá...

Nét đặc sắc trong văn hóa đồng bào các dân tộc thu hút du khách khi đến với huyện Bắc Hà
Nét đặc sắc trong văn hóa đồng bào các dân tộc thu hút du khách khi đến với huyện Bắc Hà

Qua tìm hiểu được biết, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã giành sự quan tâm trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc. Tính đến thời điểm này, tỉnh có 02 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 41 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh cấp quốc gia, 02 bảo vật quốc gia, 22 di tích danh thắng cấp quốc gia và 34 di tích danh thắng cấp tỉnh…

Từ việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đến nay trên địa bàn tỉnh hình thành hệ thống các làng du lịch cộng đồng, cụ thể: Nghĩa Đô (Bảo Yên), Bản Dền, Tả Van, Cát Cát, Lao Chải, Tả Phìn (Sa Pa); Bản Liền, Trung Đô, Bản Phố, Na Hối, Tả Van Chư (Bắc Hà) Ý Tý, Choản Thèn, Lao Chải, Mường Hum (Bát Xát)… Thông qua phát triển du lịch cộng đồng nhiều nhà nghỉ lưu trú tại gia đã được hình thành.

Cũng từ kết quả của việc bảo tồn, hàng chục lễ hội của đồng bào các dân tộc như Lễ hội Gầu tào của người Mông, Lễ hội xuống đồng của người Tày, Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy, Lễ cấp sắc của người Dao, Lễ hội "Gặt Tu Tu", Lễ hội “Khô già già” của người Hà Nhì cũng đã được khôi phục. Các Lễ hội được tái hiện từ địa điểm, thời gian, nghi thức đến đối tượng tham gia góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn cho loại hình du lịch khám phá.

Nghệ nhân truyền dạy kỹ thuật khèn Mông cho thế hệ trẻ
Nghệ nhân truyền dạy kỹ thuật khèn Mông cho thế hệ trẻ

Ông Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai cho rằng, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai trong giai đoạn mới đang đứng trước những thời cơ và thách thức đan xen. Bối cảnh mới đòi hỏi một tâm thế, tầm nhìn, khát vọng và quyết tâm lớn hơn nữa của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

“Với mục tiêu này, thời gian tới tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục có sự đầu tư thỏa đáng, có trọng tâm, trọng điểm cho phát triển văn hóa. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế hợp tác giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm và tôn trọng các giá trị nguyên gốc. Tiếp tục đăng cai tổ chức các hoạt động (sự kiện) văn hóa, thể thao và du lịch với quy mô quốc gia và quốc tế nhằm phát huy giá trị các di sản được ghi danh, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước và con người Lào Cai…”, ông Cường nhấn mạnh.

Có thể thấy, việc chú trọng bảo tồn văn hóa của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch sẽ là giải pháp trọng tâm để Lào Cai đạt mục tiêu đến năm 2025, đón 10 triệu lượt khách du lịch.