Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lào Cai: Tập trung "chữa lành lá phổi xanh” sau thiên tai

Trọng Bảo - 07:46, 13/11/2024

Sau trận mưa lũ vừa qua, nhiều diện tích rừng ở Lào Cai bị tàn phá do sạt lở, gió lốc, trong đó nhiều diện tích rừng bị thiệt hại nằm ở những khu vực có địa hình hiểm trở, núi cao, khó khăn cho công tác trồng rừng. Tuy nhiên, với quyết tâm "chữa lành lá phổi xanh”, tỉnh Lào Cai đã và đang có nhiều giải pháp để từng bước phủ xanh lại diện tích rừng đã mất.

Những cánh rừng, ngọn núi ở Lào Cai loang lổ sau mưa lũ
Những cánh rừng, ngọn núi ở Lào Cai loang lổ sau mưa lũ

Những cánh rừng, những ngọn núi loang lổ do bị trượt sạt là vết tích sau trận mưa lũ lịch sử ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3 để lại trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Huyện Bát Xát là một trong các địa phương chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra; trong đó, hàng nghìn điểm sạt lở đã khiến nhiều cánh rừng chỉ còn trơ trọi đất đá. Trong số đó,  có nhiều điểm rất khó hoặc không thể trồng lại rừng.

Thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát, mưa lũ đã làm thiệt hại 269ha rừng, trong đó hơn 260ha là rừng tự nhiên. Theo ông Trần Văn Hùng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát, đơn vị đã và đang tiếp tục thống kê, rà soát để xây dựng kế hoạch triển khai trồng, tái tạo lại những diện tích rừng bị mưa lũ tàn phá.

“Chúng tôi phải rà soát lại toàn bộ diện tích đất ở các địa phương, diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp, đất trống để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vận động Nhân dân trồng rừng. Tuy nhiên, các vị trí sạt lở, cơ bản ở nơi đồi núi dốc, nằm ở gần các khe suối; chưa kể sau khi bị sạt lở đã cuốn trôi đất thịt, còn lại là đất đá không thể trồng lại hoặc có những điểm vị trí rất cao… Đây là những trở ngại trong quá trình trồng, khôi phục diện tích rừng đã mất”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ngành Kiểm lâm Lào Cai đang tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch khôi phục diện tích rừng bị tàn phá sau mưa lũ
Ngành Kiểm lâm Lào Cai đang tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch khôi phục diện tích rừng bị tàn phá sau mưa lũ

Để khôi phục lại diện tích rừng bị thiệt hại do mưa lũ, thì công tác bảo đảm cây giống là một trong những yếu tố quan trọng. Hiện nay, các vườn ươm, các cơ sở sản xuất cây giống đang khẩn trương sửa chữa, vệ sinh, tiêu độc khử trùng để khôi phục sản xuất. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật như đảo bầu, phun thuốc phòng chống nấm do bệnh dễ phát sinh sau ngập úng... Đồng thời, triển khai sản xuất cây giống cho vụ mới ngay sau khi đủ điều kiện bảo đảm chất lượng, số lượng chủng loại cây giống cho công tác trồng, chăm sóc rừng bị thiệt hại cũng như trồng rừng mới năm 2025.

Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lào Cai thông tin thêm: Qua rà soát, đơn vị khẳng định, các cơ sở sản xuất cây giống vẫn đủ khả năng cung ứng khoảng 30 triệu cây giống cho năm 2024 và năm 2025 và xuất bán ra các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, Chi cục cũng đã khuyến cáo, cây con khi xuất ra khỏi vườn phải bảo đảm đủ tiêu chuẩn, chất lượng và không nhiễm bệnh, nhất là nhiễm các loại nấm bệnh do bị ngập úng. 

"Về kinh phí hỗ trợ thiệt hại theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Trong đó, hỗ trợ 809,662ha rừng sản xuất bị thiệt hại với tổng nhu cầu kinh phí gần 3 tỷ đồng...”, ông Điệp cho hay.

Người dân vùng cao cải thiện thu nhập từ rừng
Người dân vùng cao cải thiện thu nhập từ rừng

Mưa lũ đã gây thiệt hại lớn cho ngành Lâm nghiệp Lào Cai. Cụ thể, có 1.154ha rừng bị thiệt hại; trong đó, 650ha rừng trồng, 310ha rừng tự nhiên và một số diện tích cây lâm nghiệp ngoài gỗ. Hầu hết diện tích này đều mất trắng do rừng bị sạt lở, đất đá vùi lấp hoàn toàn… Cùng với việc tổ chức trồng lại ở những điểm thuận lợi, ngành Kiểm lâm tỉnh đang đề xuất để nguyên hiện trạng, vì rừng tự nhiên có khả năng tự tái sinh rất nhanh. Ngoài ra, đơn vị cũng tính tới giải pháp sử dụng biện pháp bay Flycam để gieo hạt cây ở những điểm sạt lở có vị trí hiểm trở.

Việc tập trung trồng, khôi phục lại diện tích rừng đã mất có ý nghĩa quan trọng để “chữa lành lá phổi xanh” sau thiên tai
Việc tập trung trồng, khôi phục lại diện tích rừng đã mất có ý nghĩa quan trọng để “chữa lành lá phổi xanh” sau thiên tai

Bên cạnh giá trị về kinh tế, thì rừng được ví như “lá phổi xanh” thông qua tác dụng điều hòa không khí, chống biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính, bảo tồn nguồn gen cũng như đa dạng sinh học. Cùng với đó, là khả năng giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt là lũ lụt và sạt lở đất, nhờ vào khả năng lưu giữ nước mưa, điều hòa dòng chảy của lớp thảm thực vật rừng. Bằng nhiều giải pháp tích cực và phù hợp, Lào Cai đã và đang tập trung “chữa lành lá phổi xanh” sau những thiệt hại nặng nề do mưa lũ.

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 46 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín đã phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc vận động đồng bào DTTS tham gia thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Nhờ vậy, trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG luôn nhận được sự đồng thuận của đồng bào trong vùng thực hiện dự án, từ đó đời sống bà con ngày càng ấm no, diện mạo nông thôn cũng thay đổi tích cực.