Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Làng Trường Sa” trên đất Nghệ

Thanh Hải - 16:31, 02/02/2021

Nơi ấy, bao thế hệ cha trước, con sau. Cũng nơi ấy, những người mẹ, người vợ đằng đẵng ngóng tin từ hải đảo. Một tấc biển chẳng thể cắt rời, dẫu tấm thân hòa cùng sóng nước. Một phút giây chẳng nao núng, dẫu máu đào nhuộm mặn sóng Biển Đông. Nhiều người đã trìu mến dành cho nơi ấy tên gọi thân thương: Làng Trường Sa.

Mẹ Lê Thị Nguyệt xóm 4, xã Phúc Thọ đau đáu với nỗi niềm chưa tìm thấy bóng hình con trai Nguyễn Đình Tuấn.
Mẹ Lê Thị Nguyệt xóm 4, xã Phúc Thọ đau đáu với nỗi niềm chưa tìm thấy bóng hình con trai Nguyễn Đình Tuấn.

“Có tuổi hai mươi thành sóng nước”

Mồng 3 Tết Canh Tý 2020, hậu phương xóm 4, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đón hung tin. Nơi tiền tiêu quần đảo Trường Sa, một người con can trường, dũng cảm đã mãi nằm lại giữa biển khơi trong khi làm nhiệm vụ tuần tra - chiến sĩ Nguyễn Đình Tuấn.

Đã bao đêm rồi mẹ Lê Thị Nguyệt chưa hề tròn giấc. Mẹ Nguyệt rưng rưng: “Nó nhập ngũ năm 1996, sau mấy tháng thì ra đảo làm nhiệm vụ tại Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân (Cam Ranh, Khánh Hòa) từ đó. Hắn nhập ngũ cũng là nối nghiệp cha hắn, thỏa ước mong của cha hắn khi còn sống. Tôi chỉ mong sao sớm tìm thấy hắn…”.

Cách nhà mẹ Nguyệt một quãng, vợ chồng ông Nguyễn Công Ninh và bà Nguyễn Thị Liêm cũng đã, đang và sẽ sống những tháng ngày hụt hẫng khi thiếu vắng hình bóng người con thân yêu.

Nguyễn Công Thành là chiến sĩ Đại đội 137, Tiểu đoàn 3, tăng cường từ Lữ đoàn 146 ra nhận nhiệm vụ tại vùng 4 Hải quân. Nhận nhiệm vụ tuần tra, Thành đã sẵn sàng đi ngay, dù biết rằng, hiểm nguy luôn rình rập. Trong ký ức người cha, hẳn ông Nguyễn Công Ninh không bao giờ quên một ngày cuối tháng 7/2018, ngày Thành vĩnh viễn rời xa vợ chồng ông trong khi làm nhiệm vụ.

Ông Ninh buồn rầu kể: “Vợ tôi khóc suốt. Chỉ cần ai đó nhắc đến lính đảo là lại khóc. Nó là thằng cả của 4 anh em, hiền lành, ngoan ngoãn. Đến tận khi mất, nó và thằng con nhỏ thứ 2 vẫn chưa hề biết mặt nhau”.

Rời nhà ông Ninh, tôi mang theo bao xúc cảm, bao nỗi niềm của những người cha, người mẹ. Gặp Phó Ban Chỉ huy quân sự xã Phúc Lộc, huyện Nghi Lộc Nguyễn Bá Hải, được nghe ông kể về lịch sử của vùng đất “phên dậu” Phúc Thọ rất đỗi tự hào: “Đây là vùng đất chiến lược, nơi chuyển quân qua phà Bến Thủy chi viện cho chiến trường miền Nam. Số lượng thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, gia đình có công rất nhiều, nằm ở tốp đầu của huyện”.

Đằng đẵng ngóng tin đảo xa

Phúc Thọ chiều cuối năm mưa lất phất. Những cành đào đã bung nụ phớt hồng. Ngoài phố, dòng người hối hả ngược xuôi chuẩn bị đón Tết. Nhưng ở nhiều ngôi nhà của lính đảo Trường Sa nơi đây, không khí đón Tết dường như đong đầy bao xúc cảm khó tả.

Bao đời nay, người dân Phúc Thọ đã quá quen với việc ngóng tin người thân từ đảo xa về đón Tết. Dù biết trước, nhưng khi nhận dòng tin “con không về ăn Tết”, bao cảm xúc chống chếnh, hụt hẫng lại ùa về. Bà Trần Thị Phương ở xóm 3, xã Phúc Thọ mở lòng: Ông nhà tôi biền biệt khắp các mặt trận phía Nam. Cảm giác đằng đẵng chờ chồng nuôi con ngày trước thế nào thì nay, cảm giác ngóng tin con từ đảo xa về đón Tết cũng vẹn nguyên như vậy.

Chồng bà Phương, ông Cao Xuân Biếng là lính đặc công trên biển thuộc đơn vị 816, Sư đoàn 360 (Quảng Ninh). Tuổi trẻ của bà Phương là những tháng ngày chờ chồng nuôi con. Cả một đời binh nghiệp, ông Biếng chưa một lần cùng bà đón Tết. Giữa thời chiến, đó là điều quá đỗi bình thường. Nhưng trong thời bình, cũng vì nhiệm vụ thiêng liêng, người con trai cả nối nghiệp bố - chiến sĩ Cao Xuân Chiến, Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân cũng chưa từng đón Tết đoàn viên với gia đình.

Những người phụ nữ đằng đẵng chờ chồng thời chiến, rồi cùng chồng ngóng tin con từ hải đảo giữa thời bình, đã là những câu chuyện thấm đẫm bao nỗi niềm nhưng rất đỗi hãnh diện, tự hào ở Phúc Thọ. Hiện có khoảng 50 người con của Phúc Thọ đang công tác trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Nếu tính cả những người đã từng công tác trên các đảo thì khoảng 150 người.

Ông Nguyễn Bá Hải, Phó Ban Chỉ huy quân sự xã Phúc Thọ nói: Chúng tôi rất hãnh diện, vì đó không chỉ là tấm gương sống động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà còn làm rạng rỡ thêm lòng yêu nước, ý chí kiên cường cho quê hương.

Một cái Tết nữa lại về. Nhưng ở những “làng Trường Sa” trên đất Nghệ, những người cha, người mẹ, người vợ và những đứa trẻ đón Tết, vui Xuân mà không có con, có chồng, cha bên cạnh, mới thấy sự hy sinh thầm lặng nhưng lớn đến nhường nào.