Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lạng Sơn: Vì sao giải ngân vốn đầu tư công thấp?

Thúy Hồng - 10:04, 29/09/2020

Năm 2020 là năm cuối thực hiện các mục tiêu thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, đến giữa tháng 8/2020, khối lượng giải ngân một số nguồn vốn tại Lạng Sơn đạt rất thấp so với yêu cầu.

Đường giao thông ở xã Hải Yến, huyện Cao Lộc được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135.
Đường giao thông ở xã Hải Yến, huyện Cao Lộc được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135.

Điển hình là, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thuộc kế hoạch vốn năm 2020, bao gồm Chương trình 135 và Chương trình đầu tư cho huyện nghèo 30a… Vốn đầu tư công giải ngân chậm đã ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến giữa tháng 8/2020, tổng kế hoạch vốn đã giải ngân toàn tỉnh mới đạt 1.433 tỷ đồng, tương đương 43,98% kế hoạch. Trong đó, nhiều chương trình, dự án khối lượng giải ngân rất thấp, điển hình như: Vốn ODA, Chương trình 135 và Chương trình đầu tư cho huyện nghèo 30a. Theo đó, có tới 5 huyện khối lượng giải ngân nguồn vốn Chương trình 135 đạt dưới 30% kế hoạch. Ví dụ như đến giữa tháng 8/2020, huyện Hữu Lũng giải ngân được 9,4%; huyện Bắc Sơn là 11,8%; huyện Tràng Định đạt 26,3%; huyện Văn Quan đạt 28,4% và huyện Cao Lộc đạt 28,6%.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Lạng Sơn, nguyên nhân chính khiến khối lượng giải ngân đạt thấp được cho là do khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư còn lúng túng, sai sót phải điều chỉnh nhiều lần. Một số chủ đầu tư được giao thực hiện dự án năng lực quản lý điều hành còn hạn chế, nhiều dự án vướng mắc trong thực hiện Nghị định 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ quy định về quản lý, chi phí đầu tư xây dựng.

Như tại Cao Lộc, thực hiện Hợp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2020, huyện được giao kế hoạch vốn hơn 16,3 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 8/2020, mới có 1 công trình thực hiện giải ngân, với số vốn 400 triệu đồng. Đối với nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được phân bổ 65,8 tỷ đồng, nhưng đến đầu tháng 9/2020, mới giải ngân được 14,5 tỷ đồng, tương đương 41% kế hoạch.

Hay như Hợp phần 1 của Dự án vốn vay ADB “Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc (Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn) đoạn qua các huyện: Bình Gia, Văn Quan, Đình Lập với tổng chiều dài đầu tư hơn 62,5km được triển khai thực hiện từ cuối năm 2019, cũng bị chậm triển khai. Nguyên nhân cũng lại do công tác giải phóng mặt bằng chậm.

Trước thực trạng này, để kịp thời hoàn thành các dự án và giải ngân các nguồn vốn, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý vốn đầu tư, chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây lắp, hoàn thiện các thủ tục làm căn cứ giải ngân vốn đầu tư. Mục tiêu hướng tới đến hết năm 2020 hoàn thành giải ngân toàn bộ các nguồn vốn kế hoạch đã phân bổ, bảo đảm không bị cắt vốn phải chuyển nguồn.

Bà Hứa Thị Hằng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Hiện Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng văn bản chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, đánh giá lại các dự án được giao quản lý, đặc biệt là dự án giải ngân thấp. Với chức năng là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh quản lý Nhà nước lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, Sở đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tình hình các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm, qua đó tham mưu kịp thời cho lãnh đạo tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.