Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lạng Sơn: Chính sách dân tộc tạo động lực để đồng bào DTTS vươn lên

Thanh Phong - Ngọc Chí - 06:46, 07/12/2023

Lạng Sơn là tỉnh miền núi có 5 huyện biên giới, 2 huyện nghèo; tỷ lệ người DTTS chiếm hơn 83% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là dân tộc: Nùng, Tày, Dao, Sán Chay, Hoa, Mông. Trong thời gian qua, Lạng Sơn luôn đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc hỗ trợ đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần nâng cao đời sống người dân và thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân ở vùng DTTS.

Ban Dân tộc Lạng Sơn kiểm tra, rà soát việc triển khai, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tại huyện Chi Lăng
Ban Dân tộc Lạng Sơn kiểm tra, rà soát việc triển khai, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tại huyện Chi Lăng

Nhằm nâng cao đời sống đồng bào DTTS, tỉnh Lạng Sơn đã xác định triển khai Chương trình MTQG giảm ghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719); Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 là những nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, triển khai Chương trình MTQG 1719 cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, tích cực triển khai Chương trình, trong đó cũng đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực triển khai Chương trình.

Theo đó, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng; phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng thời, huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư các chương trình, dự án để lồng ghép thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa; ổn định dân cư; hỗ trợ trồng rừng sản xuất; hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ nhà ở, sửa chữa nhà cho hộ nghèo…

Xác định an cư mới lạc nghiệp, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã lồng ghép các chương trình, dự án; huy động các nguồn vốn từ các Chương trình MTQG, các chương trình, dự án và kêu gọi xã hội hóa để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.

Đơn cử tại huyện Văn Quan (Lạng Sơn), qua rà soát, thẩm định, tổng hợp danh sách trên địa bàn huyện có 185 hộ nghèo, cận nghèo cần được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, trong đó 94 hộ sửa chữa và 91 hộ xây mới, với tổng kinh phí hơn 5 tỷ 300 triệu đồng. Đến nay, các hộ nghèo, cận nghèo đã và đang tiến hành xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Gia đình bà Hoàng Thị Hản, thôn Bó Cáng, xã Tú Xuyên (Văn Quan-Lạng Sơn), thuộc diện hộ nghèo, bao năm phải sinh sống trong căn nhà tạm bợ. Năm nay, gia đình bà được nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng làm nhà ở. Bà mạnh dạn vay mượn thêm của họ hàng để xây dựng căn nhà mới, với đầy đủ công năng sử dụng. Hiện ngôi nhà đang trong quá trình hoàn thiện, các thành viên trong gia đình đều yên tâm, phấn khởi, cố gắng làm ăn để có được cuộc sống tốt hơn.

Bà Hoàng Thị Hản cho biết: Năm 2023 được sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi cũng có thêm một số nguồn lực làm được ngôi nhà, đến giờ cũng sắp hoàn thiện, tôi vui lắm.

Ông Triệu Đức Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan, Lạng Sơn cho biết: Những năm qua, huyện luôn quan tâm triển khai các chính sách dân tộc, thực hiện tốt các chế độ chính sách chăm lo cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, qua đó đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên.

“Thực hiện dự án hỗ trợ về nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, huyện đã triển khai sửa chữa nhà ở cho 94 hộ, xây mới cho 91 hộ với số kinh phí trên 5 tỷ đồng, chương trình đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân nâng cao đời sống, từ đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện”- ông Dũng nhấn mạnh.

Triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn tổ chức lớp tập huấn nâng cao truyền dạy Hát dân ca năm 2023
Triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn tổ chức lớp tập huấn nâng cao truyền dạy Hát dân ca năm 2023

Tỉnh Lạng Sơn cũng đã tập trung triển khai thực hiện 10 dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG 1719. Trong đó, ưu tiên giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN chưa có đất ở, chưa có nhà ở hoặc có nhà ở bị dột nát, hư hỏng.

Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn cho các hộ gia đình vùng đồng bào DTTS&MN theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; giải quyết sinh kế, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh.

Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Trong đó, chú trọng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng DTTS&MN. 

Vùng đồng bào DTTS tỉnh Lạng Sơn ngày càng phát triển
Vùng đồng bào DTTS tỉnh Lạng Sơn ngày càng phát triển

Xác định liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là mắt xích quan trọng, hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Chính vì vậy, các hình thức liên kết trong sản xuất nông, lâm nghiệp và tiêu thụ nông sản hàng hóa ở Lạng Sơn đã hình thành và phát triển với nhiều hình thức. Hiện nay, một số hợp tác xã đã tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng được thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.

Đơn cử như Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh hồng Vành khuyên Nà Mò, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng đã phát huy hiệu quả trong việc phát triển sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm hồng Vành khuyên cho bà con trên địa bàn xã Tân Mỹ và các xã lân cận.

Ông Hoàng Văn Hậu, Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh hồng Vành khuyên Nà Mò cho biết: HTX liên kết với bà con trong vùng và các vùng lân cận để thu mua, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Mỗi năm, đến vụ thu hoạch hồng HTX tổ chức thu mua cho các xã viên kết nối thương lái ở các nơi để bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Việc hình thành được liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đồng thời, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo vùng nguyên liệu và ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Bà Lô Thị Kim Oanh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Văn Lãng, Lạng Sơn cho biết: phòng tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo tuyên truyền các hộ dân trên địa bàn huyện tiếp tục nâng cao mở rộng diện tích sản xuất để tạo thành vùng nguyên liệu tập trung. Đồng thời tiếp tục duy trì và cũng cố các chuỗi đã hình thành và sẽ mở rộng ra phát triển sản xuất đối với các cây chủ lực trên địa bàn huyện để đạt hiệu quả hơn.

Với những giải pháp, chính sách cụ thể được triển khai đã tạo đà để đồng bào DTTS vươn lên có cuộc sống ổn định hơn. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 12,02% (năm 2021) xuống còn 8,92% (năm 2022).