Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lạng Sơn: 9 người bị ngộ độc lá ngón

Mỹ Dung - 08:27, 21/04/2022

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn mới tiếp nhận 9 bệnh nhân trong một công ty tại xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc nhập viện do ngộ độc lá ngón. Hiện tại, do được cứu chữa kịp thời nên các bệnh nhân đều đã qua cơn nguy kịch.

Một bệnh nhân ngộ độc lá ngón đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn
Một bệnh nhân ngộ độc lá ngón đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn

Theo lời kể của bệnh nhân, nhóm công nhân này cùng quê ở Nghệ An. Thấy cạnh nơi làm việc có nhiều loại rau rừng mọc, do nhầm lẫn với một loại cây ăn được nên một người đã hái lá ngón về xào ăn trong bữa trưa. Sau ăn khoảng 30 phút, cả 9 người đều xuất hiện dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, buồn nôn nên đã đến bệnh viện cấp cứu.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, các bệnh nhân đã được gây nôn chủ động, rửa dạ dày cấp cứu, uống than hoạt tính và truyền dịch. Sau 1 ngày cứu chữa tích cực, sức khỏe của 9 bệnh nhân tạm ổn định, một số bệnh nhân còn chóng mặt và tê bì tay chân. Do chất độc trong lá ngón hấp thụ nhanh qua đường tiêu hóa và có thể gây ra các triệu chứng nặng ảnh hưởng đến thần kinh và gan, thận, nên 9 bệnh nhân tiếp tục được làm thêm các xét nghiệm và theo dõi tích cực.

Theo các chuyên gia, cây lá ngón được coi là 1 trong 4 loại cây có độc tính hàng cao nhất. Trong lá ngón chứa chất kịch độc gây chết người, đó chính là hoạt chất Alkaloid. Lá ngón rất giống và thường mọc gần nhiều cây thuốc, rau ăn nên dễ dẫn đến sự nhầm lẫn. Người bị ngộ độc lá ngón có các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn… sau đó bị mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và tử vong rất nhanh do ngừng hô hấp. Thời gian tử vong trung bình từ 1 - 7,5 giờ.

Do vậy, người dân cần hết sức cẩn trọng khi hái các loại cây rừng làm thuốc hoặc dùng làm thực phẩm, để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.