Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Làn sóng đưa âm nhạc hàn lâm… xuống phố

PV - 16:05, 12/08/2022

Tiếp nối các hoạt động thử nghiệm đưa âm nhạc hàn lâm ra khỏi nhà hát, “xuống đường” hòa nhập với đông đảo công chúng, gần đây nhiều nghệ sĩ đã có những đổi mới phong cách giới thiệu với các dự án đưa nhạc cổ điển tới những không gian mới để kết nối với khán giả nhiều hơn.

Làn sóng đưa âm nhạc hàn lâm… xuống phố
Nhiều dự án, hoạt động đưa âm nhạc cổ điển tới công chúng Ảnh: ITN

Điều này đã và đang mang tới một luồng gió mới cho dòng nhạc giao hưởng, thính phòng.

Âm nhạc vượt qua mọi ranh giới

Với phần đông khán giả đại chúng Việt Nam, không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận những “thánh đường” của nhạc cổ điển. Bên cạnh đó, không ít khán giả cho rằng nhạc cổ điển mang tính bác học, hàn lâm và khó hiểu. Điều này đã phần nào “đẩy” công chúng, nhất là người trẻ dần rời xa dòng nhạc cổ điển.

Để góp phần xóa bỏ định kiến và khoảng cách ấy, không ít chương trình, dự án âm nhạc cổ điển đã được thiết kế tổ chức vượt ra khỏi không gian các nhà hát, đến với những sân khấu mở, với các hình thức hấp dẫn nhằm dễ dàng kết nối mọi người, lan tỏa vẻ đẹp của dòng nhạc hàn lâm. Tuần vừa qua, Trại hè âm nhạc Slide on Strings 2022 đã diễn ra tại Không gian sáng tạo nghệ thuật Phố Bên Đồi Creative Studio, TP Đà Lạt. Slide on Strings là dự án âm nhạc được tổ chức thường niên, xây dựng trên chuỗi lớp học chuyên sâu, workshop và hòa nhạc diễn ra xuyên suốt tại Đà Lạt. Với tinh thần “Hãy để âm nhạc vượt qua mọi ranh giới”, những người thực hiện mong muốn mở ra một không gian sinh hoạt âm nhạc phổ biến, không chỉ dành cho người chơi nhạc giao lưu, học hỏi, cải thiện kỹ năng mà còn là nơi khán giả có thể kết nối.

Năm nay, hai buổi hòa nhạc Folia và Vibrasyoso diễn ra trong khuôn khổ Trại hè âm nhạc Slide on Strings giúp khán giả có cơ hội trải qua những cung bậc cảm xúc tột cùng từ hân hoan, vui sướng đến trầm lặng, suy tư với nhạc cổ điển thông qua các tác phẩm nổi tiếng của những nhà soạn nhạc trứ danh như Johann Sebastian Bach, George Fideric Handel, Max Bruch, Robert Schumann, Antonio Vivaldi, Francesco Geminiani... Trước đó, Phố Bên Đồi là đơn vị đầu tiên đưa hình thức hòa nhạc salon đến Đà Lạt. Ông Nguyễn Trung Hiền (người sáng lập Phố Bên Đồi) chia sẻ ý tưởng đưa nghệ thuật nói chung, trong đó có âm nhạc cổ điển đến gần hơn với người dân Đà Lạt. Trong đó, chương trình nhạc cổ điển nhằm giới thiệu nhạc cổ điển đến với khán giả trẻ và những người đang học hoặc chưa học, chưa tìm hiểu nhưng muốn biết về nhạc cổ điển. Dù được tổ chức hướng tới công chúng yêu nhạc và những người mới làm quen với nhạc cổ điển, các chương trình đều được chắt lọc, có tính nghệ thuật với sự tham gia biểu diễn của những nghệ sĩ tên tuổi.

Tháng 6 vừa qua, Trại hè Âm nhạc 2022 lần đầu tiên được Học viện Âm nhạc Quốc gia tổ chức tại Nha Trang và Cam Ranh (Khánh Hòa). Với quy mô lớn và chuyên nghiệp, Trại hè có sự tham gia của hơn 200 học sinh, sinh viên đến từ ba miền đất nước, dàn kèn sinh viên, dàn nhạc dây thính phòng, nhóm nhạc tre nứa Sức sống mới, nhóm nhạc dân tộc Charm band, nhóm nhạc Jazz Pop band… Trại hè Âm nhạc 2022 còn có sự tham gia của dàn nhạc giao hưởng trẻ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (VNAMYO) dưới sự dẫn dắt của hai nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, Trần Nhật Minh và nhiều nghệ sĩ độc tấu trẻ tuổi. Các hoạt động âm nhạc diễn ra hoàn toàn miễn phí giúp đông đảo người dân, khán giả quan tâm, khách du lịch và các học sinh, sinh viên của các trường Đại học tại địa phương có thể đến tham gia, giao lưu trải nghiệm, làm quen với âm nhạc và các nhạc cụ.

Gieo mầm tình yêu nhạc cổ điển

Cùng chung mong muốn dẫn dắt khán giả thưởng ngoạn vẻ đẹp của âm nhạc cổ điển theo một cách thức mới mẻ, đầy sinh động, tháng 7 vừa qua, dự án hòa nhạc giáo dục “Classical Wonderland” đã được Vietnam Youth Music Institute (VYMI) hợp tác cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức miễn phí.

Âm nhạc hướng tới cộng đồng đang có sự thay đổi và cộng hưởng của nhiều thế hệ đi trước tạo nền móng, nay có các thế hệ trẻ tiếp xúc với cách làm mới ở nước ngoài, có cơ hội làm các dự án âm nhạc mới. Đây là dự báo cho sự phát triển, tiếp nối, sáng tạo của thế hệ nghệ sĩ trẻ.

(Nghệ sĩ TRANG TRỊNH, Giám đốc điều hành VYMI)

Không tập trung vào đào tạo nghệ sĩ tương lai, dự án tìm kiếm những pianist từ các trường chuyên nghiệp hay không chuyên, có thể truyền đi tình yêu với âm nhạc cổ điển; tổ chức hòa nhạc; cung cấp học liệu và dạy thưởng thức âm nhạc cho cộng đồng để mọi người có thể nghe nhạc, hiểu tác phẩm… hòa nhạc Giáo dục VYMI EduConcert “Classical Wonderland” nhằm phá bỏ rào cản giữa âm nhạc hàn lâm và công chúng. Học tập về âm nhạc cổ điển có sự hướng dẫn, cùng các hoạt động tìm hiểu trực quan đã tạo cơ hội trải nghiệm công bằng dành cho những người mới bắt đầu và cả những người yêu âm nhạc cổ điển lâu năm, giúp mọi người đều có thể hiểu và bước vào thế giới kỳ diệu của âm nhạc cổ điển. Sau dự án hòa nhạc giáo dục “Classical Wonderland”, VYMI tiếp tục ấp ủ các hoạt động giới thiệu âm nhạc tới học sinh, tour diễn nhằm gắn kết, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ học âm nhạc…

Nghệ sĩ Trang Trịnh, Giám đốc điều hành VYMI cho rằng, âm nhạc hướng tới cộng đồng đang có sự thay đổi và cộng hưởng của nhiều thế hệ đi trước tạo nền móng, nay có các thế hệ trẻ tiếp xúc với cách làm mới ở nước ngoài, có cơ hội làm các dự án âm nhạc mới. Đây là dự báo cho sự phát triển, tiếp nối, sáng tạo của thế hệ nghệ sĩ trẻ. Nhiều người từng băn khoăn rằng, làm thế nào để nghe nhạc cổ điển, tìm hiểu từ đâu, điều này đã được nhiều nghệ sĩ chú ý và có các hoạt động đưa âm nhạc đến gần khán giả hơn.

“Tôi tin rằng, khi khán giả được biết, được tìm hiểu, tình yêu nhạc cổ điển sẽ như một mầm cây được gieo vào trái tim mỗi người”, là mong muốn của nghệ sĩ Trang Trịnh và có lẽ cũng là mong muốn chung của các nghệ sĩ thực hiện những cuộc hành trình đưa âm nhạc tới những không gian mới, có thể kết nối với đông đảo khán giả.