Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lâm Đồng: Những cách làm sáng tạo trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá vùng đồng bào DTTS

Khánh Sơn - 22:31, 19/11/2023

Thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch” (Dự án 6) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo.

Những người đi trước truyền dạy lại giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào DTTS cho lớp trẻ tại Lâm Đồng.
Những người già truyền dạy lại giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào DTTS cho lớp trẻ tại Lâm Đồng.

Những người đi tiên phong

Giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá của đồng bào DTTS là khát vọng của biết bao người. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có rất nhiều cá nhân tiêu biểu vẫn ngày đêm thầm lặng, miệt mài lan toả những giá trị văn hoá tốt đẹp của đồng bào DTTS.

Điển hình như câu chuyện về chị Ka Hem (trú tại thôn Đồng Hò, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng), là 1 trong 93 gương sáng đời thường vừa được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tôn vinh về những đóng góp cho cộng đồng.

Chị Ka Hem vui vẻ chia sẻ, xuất phát từ niềm đam mê văn hóa văn nghệ, nhất là tiếng cồng chiêng, điệu múa của người K’Ho nên chị đã cùng các bạn trẻ thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng thôn Đồng Đò. Ngoài ra chị còn kiêm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trí thức trẻ huyện Di Linh - nơi hội tụ, đoàn kết các bạn trẻ K’Ho cùng đam mê nghiên cứu, tìm hiểu, giữ gìn văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình.

Nhằm lan toả, quảng bá giá trị văn hoá tốt đẹp của đồng bào DTTS, chị Ka Hem thường xuyên kết nối đưa các thành viên đi trình diễn cồng chiêng, biểu diễn ở các điểm du lịch, homestay phục vụ du khách trong và ngoài nước. Vừa thể hiện những bài chiêng cùng các điệu múa, các thành viên câu lạc bộ còn giới thiệu về phong tục, tập quán của người K’Ho tới du khách. Do tìm hiểu, tập luyện thường xuyên nên Câu lạc bộ Cồng chiêng Đồng Đò đã dần tạo được tiếng vang. Với tình yêu và trách nhiệm của người trẻ, chị Ka Hem đã và đang tiếp tục nuôi dưỡng, phát huy, gìn giữ nét đẹp văn hóa có giá trị này tại chính quê hương mình.

Một cá nhân tiêu biểu khác trong nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá đồng bào DTTS tại tỉnh Lâm Đồng là nghệ nhân cồng chiêng Cil Ha Ôn (trú tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương).

Ông Ha Ôn chia sẻ, tình yêu cồng chiêng đã ngấm sâu vào máu thịt của ông từ thưở nhỏ. Đó là những dịp ông được theo bố mẹ tham gia các lễ hội như: Mừng lúa mới, cúng thần Núi, thần Sông trước khi khai nương làm rẫy cầu cho mùa màng bội thu. Bản thân ông thường xuyên được theo các cụ đi đánh chiêng ở các buôn bạn, huyện bạn như: Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng… Cùng với năng khiếu và tình yêu được đưa vào tiếng chiêng, bản thân ông còn biết thổi sáo, thổi kèn (m’bót, rơ kêl…), đánh Chơng gong, hát chèo đối đáp rất hay và thu hút người nghe.

Không dừng lại ở đó, nghệ nhân Ha Ôn còn khát khao truyền dạy cho các thế hệ trẻ để lưu giữ, bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng. Nhiều năm trước, nghệ nhân Ha Ôn cùng các nghệ nhân khác mở lớp và truyền dạy cho trên 60 học viên ở các lứa tuổi. Từ đây đã phát hiện, đào tạo, nuôi dưỡng nhiều tay chiêng xuất sắc như: Liêng Jrang Ha Xia, Liêng Jrang Ha Nhíp, Kră Jăn Ha Thuận…

Cô trò Trường THCS Tân Thượng (huyện Di Linh, Lâm Đồng) mặc trang phục truyền thống DTTS tới trường.
Văn hóa truyền thống các DTTS ở Lâm Đồng đang được bảo tồn và phát huy hiệu quả

Cần nhân rộng cách làm hay, sáng tạo

Nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được triển khai, mang lại những kết quả tích cực.

Tiêu biểu như cách làm của Trung tâm học tập cộng đồng xã Tân Thượng (huyện Di Linh) khi phối hợp với Trường THCS Tân Thượng tổ chức khai giảng lớp dạy tiếng K’Ho cho học sinh DTTS nhà trường. Đây được chọn là mô hình điểm của huyện Di Linh trong gìn giữ và phát triển văn hoá bản địa.

Trong thời gian khoảng 10 tuần, 70 em học sinh khối lớp 7, 8 của Trường THCS Tân Thượng được nghệ nhân K’Brôl truyền dạy chữ viết người K’Ho nhằm góp phần để các em hiểu và gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống dân tộc mình. Qua lớp học, các em trở thành hạt nhân trong việc sử dụng chữ viết của người K’Ho, từ đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thầy giáo Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thượng chia sẻ: “Có một thực tế là đồng bào K'Ho nói chung và con em của họ nói riêng tuy nói rất sành tiếng mẹ đẻ, thế nhưng hầu như các em đều không biết đến chữ viết của đồng bào mình. Đây cũng chính là lý do mà Trường THCS Tân Thượng phối hợp với Trung tâm Giáo dục cộng đồng của xã tổ chức lớp học nhằm giúp các em biết gìn giữ, nâng niu và trân quý vốn chữ viết của đồng bào mình”.

Ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Lâm Đồng nhấn mạnh: “Phải lấy bản sắc văn hóa đặc trưng (với sự khác biệt) để phát huy thành sản phẩm du lịch. Bởi sự hấp dẫn du lịch suy cho cùng là sự hấp dẫn về văn hóa”.

Bên cạnh cồng chiêng, ngôn ngữ thì trang phục truyền thống cũng là một trong những giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào DTTS. Để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, trường THCS Tân Thượng (huyện Di Linh) đã có cách làm sáng tạo là cho học sinh các DTTS mặc trang phục truyền thống như đồng phục tới trường.

Với 90% học sinh là người dân tộc K’Ho, Sán Dìu, Nùng, Tày… những trang phục dân tộc này đã chính thức trở thành đồng phục của nhà trường vào thứ Hai hằng tuần và vào các dịp lễ, hội mà nhà trường tổ chức.

Theo cô giáo Ka Duýs, giáo viên dạy văn, Trường THCS Tân Thượng, nhờ trang phục của dân tộc, cô cảm thấy mình duyên dáng hơn, gần gũi hơn với các em. Mỗi khi đến trường với trang phục truyền thống, cô còn cảm thấy tự hào khi đang góp phần giữ gìn truyền thống quý giá của dân tộc, khi mà xã hội hiện đại khiến các trang phục dần bị mai một.

Có thể nói, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa có hiệu quả đã góp phần không nhỏ tạo nên những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh. Cũng từ đây, tính tự quản, ý thức cội nguồn, đoàn kết cộng đồng trong các bản, làng, buôn… của các DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được duy trì và phát huy.