Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lâm Bình (Tuyên Quang): Đưa du lịch thành mũi nhọn kinh tế

Nghĩa Hiệp - 11:03, 21/10/2020

Những năm qua, du lịch huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã và đang thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước. Với nhiều cảnh đẹp về thiên nhiên cùng bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà, đã tạo nên những lợi thế để huyện Lâm Bình phát triển kinh tế từ khai thác du lịch.

Thầy mo làm lễ để truyền sức mạnh cho những người đàn ông tham gia nhảy lửa.
Thầy mo làm lễ để truyền sức mạnh cho những người đàn ông tham gia nhảy lửa.

Khai thác giá trị văn hóa truyền thống

Lâm Bình vừa là huyện có hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, vừa là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các DTTS trong vùng. Song song với phát triển du lịch sinh thái, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn đã được chính quyền và Nhân dân quan tâm. Các làn điệu dân ca, dân vũ được gìn giữ và khôi phục thông qua việc thành lập các đội văn nghệ, các CLB hát then, hát cọi, hát páo dung, múa khèn… Các sản phẩm du lịch từng bước được đầu tư đa dạng, phong phú, các dịch vụ phục vụ cũng được chuyên nghiệp hóa, từ đó đã tạo được ấn tượng tốt trong lòng du khách.

Năm 2016, huyện Lâm Bình bắt tay vào triển khai thực hiện thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại 4 điểm, với 15 hộ dân tham gia. Theo đó, các tổ công tác được thành lập. Các thành viên của tổ được phân công nhiệm vụ phụ trách từng hộ, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ các hộ thực hiện việc xây dựng mô hình du lịch; tổ chức cho các hộ dân tham quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng tại các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên. Đặc biệt, với mô hình xây dựng làng văn hóa gắn với du lịch tại thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm; thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can và phục dựng, bảo tồn văn hóa truyền thống, nghi lễ, nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn đã thu hút khách du lịch đến với Lâm Bình ngày một đông.

Phát triển du lịch thành mũi nhọn kinh tế

Kể từ khi Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn được phục dựng và đưa vào khai thác du lịch, cuộc sống của người dân Pà Thẻn cũng được thay đổi. Không chỉ những người nhảy lửa có thêm thu nhập, người dân cũng có thể bán nông sản trong lễ hội, làm các món ăn đặc sắc của đồng bào dân tộc để phục vụ du khách.

Theo báo cáo về hoạt động du lịch từ năm 2016 đến nay, lượng du khách đến với huyện Lâm Bình ngày một tăng. Năm 2016 là 13.500 lượt du khách, năm 2017 là 35.000 lượt, đến năm 2019 có trên 90.000 lượt du khách.

Phát huy những kết quả đạt được, từ đầu năm 2020, huyện Lâm Bình tiếp tục đẩy mạnh việc phát huy giá trị của các lễ hội văn hóa vào khai thác du lịch. Theo đó, đã có hơn 200 công ty du lịch, lữ hành liên kết, xây dựng các sản phẩm du lịch tại huyện Lâm Bình.

Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Hiện, đã có thêm 8 hộ, 1 hợp tác xã đăng ký cung cấp dịch vụ du lịch Homestay, nâng tổng số hộ tham gia dịch vụ du lịch toàn huyện lên 24 hộ. Điển hình như khu du lịch thôn Nặm Đíp, mỗi tháng thu hút 200 - 300 lượt du khách đến tham quan.

“Lâm Bình đang xác định cơ cấu kinh tế chuyển dịch thành du lịch - nông nghiệp và hạ tầng thay vì phát triển hạ tầng - nông nghiệp - du lịch như trước đây. Sự thay đổi này sẽ hoàn thành mục tiêu đưa kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Trong đó, bản sắc văn hóa cộng đồng là một trong những yếu tố then chốt để thu hút, phát triển du lịch”, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình Nguyễn Văn Dưng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.