Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lai Châu: Thiếu nước sinh hoạt vì không có nguồn nước

Hoài Dương - 09:45, 23/09/2019

Nhiều năm qua, tỉnh Lai Châu đã thực hiện nhiều dự án cung cấp nước nhằm giải quyết bài toán thiếu nước sinh hoạt cho người dân. Thế nhưng cùng với khó khăn vì nguồn kinh phí eo hẹp, ý thức duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ công trình của người dân còn thấp, thì tình trạng không có nguồn nước đang là vấn đề khó không thể giải quyết ngày một ngày hai cho các địa bàn xã biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Lai Châu: Thiếu nước sinh hoạt vì không có nguồn nước

Người dân ở bản Nậm Củm, xã Bum Nưa phải chờ nhau và sử dụng nước rất tiết kiệm.

Là một trong những xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ (Lai Châu), xã Vàng Ma Chải có 7 bản, gần 500 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Nhiều năm qua, mặc dù mỗi bản đã được đầu tư xây dựng 2 bể nước tập trung, mỗi bể có thể tích 6m3, nhưng vì không có nguồn nước nên bể chứa nước không phát huy hiệu quả, cuộc sống sinh hoạt của bà con nơi đây vẫn rất khó khăn.

Ông Chảo Dần Phù, dân tộc Dao ở bản Tả Ô, xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, chia sẻ: Để có nước dùng hằng ngày mọi người phải đi xe xuống trung tâm xã, cách bản khoảng 3km, để chở nước về bằng can 20 lít. Cứ sáng đi lấy một lần, tối đi lấy một lần rồi dùng chắt chiu.

“Không có nước, việc trồng trọt, chăn nuôi khó thực hiện. Mùa mưa đến thì mùa vụ đã qua khiến cho năng suất trồng trọt thấp. Thiếu nước khổ sở lắm!”, ông Phù buồn rầu nói.

Ông Lý Phủ Hành, Chủ tịch UBND xã Vàng Ma Chải cho biết, xã có 7 bản thì có tới 3 bản là Tả Ô, Tả Phùng và Khoa San với gần 1.000 nhân khẩu quanh năm trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Cũng như xã Vàng Ma Chải, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ cũng chung tình trạng. Mỗi năm có 8/10 bản tại xã Mù Sang thiếu nước trong 7 tháng. Không có nước, người dân phải mang can nhựa đi xa 4-10km để lấy nước phục vụ sinh hoạt. Tình trạng này đã gây rất nhiều khó khăn không chỉ với người dân mà còn với cả giáo viên, học sinh tại các trường bán trú.

Thầy Vàng Văn Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mù Sang cho biết, hằng ngày các thầy, cô giáo trong trường phải dậy từ 4-5 giờ sáng và đi hơn 4km để lấy nước về phục vụ sinh hoạt cho học sinh. Tuy nhiên, nguồn nước ở đây tìm rất khó khăn, đặc biệt vào mùa khô. Nhà trường cũng đã kết hợp với chính quyền địa phương đi tìm và đào các hố sâu ở những điểm có nước chảy từ khe suối xuống để dự trữ cung cấp cho học sinh.

“Mong muốn lớn nhất của thầy và trò nhà trường là tìm nguồn nước và xây dựng hệ thống cấp nước, để có nước sạch chăm lo cho các em học sinh”, thầy Hưng bày tỏ.

Theo ông Bùi Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, là huyện vùng cao biên giới, tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các xã như Mù Sang, Vàng Ma Chải... xảy ra đã nhiều năm nay. Thời gian qua, các đoàn công tác của huyện, tỉnh đã khảo sát và đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết nước sinh hoạt cho Nhân dân như đào các mó nước nhỏ, xây dựng các hệ thống bể chứa nước... Tuy nhiên, các giải pháp này cũng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn.

Theo ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để giải quyết bài toán cung cấp nước sinh hoạt cho các xã vùng biên giới, đặc biệt là các xã có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển như Mù Sang, Vàng Ma Chải… là rất khó khăn. Thực tế, mỗi bản tại các xã đều đã được đầu tư xây dựng các công trình bể nước tập trung, nhưng khó khăn lớn nhất ở đây là không có nguồn nước.