Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lai Châu đạt được kết quả toàn diện trong phát triển kinh tế-xã hội

PV - 15:28, 06/12/2018

Chiều 5/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lai Châu về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tài chính ngân sách và thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Đảng khoá XII trên địa bàn.

Lai Châu Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Thành Chung

Theo Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An, Lai Châu tập trung thực hiện xây dựng Đảng từ sau Đại hội XII tới nay, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt, triển khai kịp thời các nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở, định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong nhân dân.

Đặc biệt, Lai Châu triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập. Tỉnh tập trung rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cụ thể, toàn tỉnh đã sắp xếp, tinh gọn 124 tổ chức trong đó có 23 phòng, ban, chi cục, đơn vị thuộc sở, ban, ngành đoàn thể; 33 tổ chức thuộc chi cục; 10 đơn vị thuộc trung tâm y tế; 2 đơn vị thuộc UBND huyện, 56 trường học; giảm được 109 lãnh đạo gồm 68 cấp trưởng và 41 cấp phó, tinh giản được 1.049 biên chế sau gần 2 năm triển khai Nghị quyết.

Lai Châu cũng bố trí 100% Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị ở cấp huyện; đang thí điểm Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban MTTQ ở Đảng bộ TP. Lai Châu và tiếp tục hoàn thành vào thời điểm Đại hội MTTQ cấp huyện năm 2019.

Đến năm 2021, Lai Châu dự kiến sáp nhập 435 thôn, bản, tổ dân phố thành 217 đơn vị. Riêng năm nay, tỉnh sẽ thực hiện sáp nhập 57 bản, khu phố thành 28 đơn vị tại 5 huyện. Còn hiện nay, toàn tỉnh có 1.145/1.169 thôn, bản, tổ dân phố chưa đủ quy mô về số hộ, trong đó có 878 thôn, bản, tổ dân phố chưa đạt 50% quy mô về số hộ.

Về phát triển kinh tế, tăng trưởng bình quân 3 năm qua của Lai Châu ước đạt 16,63%/năm, gấp hơn 2 lần mức tăng trưởng chung của cả nước, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 33 triệu đồng/người/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2016. Tới nay toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 31,3% tổng số xã, gấp 2 lần bình quân của các tỉnh miền núi phía bắc, bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt 13,67 tiêu chí/xã, tăng 2,59 tiêu chí so với năm 2015. Vừa qua, Lai Châu đã có 2 huyện ra khỏi danh sách huỵện nghèo của cả nước là Tân Uyên và Than Uyên.

Sản xuất điện là thế mạnh của công nghiệp tỉnh Lai Châu khi toàn tỉnh có 66 dự án đã được quy hoạch, có công suất lắp máy trên 3.000 MW, điện lượng trên 11.700 triệu kWh, trong đó có 9 dự án hoàn thành phát điện, đóng góp cho ngân sách tỉnh trên 1.000 tỷ đồng/năm.

Tỉnh Lai Châu tăng cường quản lý tài chính, ngân sách, thu ngân sách tăng 2,6 lần so với năm 2015, chú trọng tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung cho đầu tư phát triển.

Lai Châu Ảnh: VGP/Thành Chung

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Ngọc An cho biết: “Lai Châu đã từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển với các tỉnh khác sau 15 năm tái lập”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá Lai Châu đã đạt được các kết quả toàn diện trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, các nghị quyết của Trung ương, chính sách an sinh xã hội khi hầu hết các chỉ tiêu của giai đoạn 2015- 2020 đã hoàn thành, góp phần tích cực vào kết quả chung của cả nước. Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân của thành công trên là sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền các cấp của tỉnh Lai Châu, cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng tán thành với các định hướng phát triển của tỉnh, đồng thời lưu ý Lai Châu thực hiện đồng bộ, toàn diện các nghị quyết của Trung ương, Chính phủ, hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu từ nay tới năm 2020, tạo đà và dư địa phát triển trong khoá tới.

Lai Châu cần tập trung phát triển các cây trồng chủ lực như chè, cao su, táo mèo, mắc ca... ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã có hiệu quả, gia tăng độ che phủ của rừng. Đối với phát triển cao su, các bộ, ngành và tỉnh Lai Châu nghiên cứu cách thức phân chia lợi nhuận của hộ gia đình và công ty cao su, bảo đảm phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra bất cập trong phát triển của tỉnh Lai Châu là tăng trưởng dịch vụ thấp hơn tăng trưởng kinh tế và đề nghị tỉnh ưu tiên phát triển dịch vụ thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động của cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng, hoạt động của các chợ nông thôn...

Tỉnh uỷ Lai Châu cần có Đề án phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn để tập trung huy động nguồn lực phát triển kinh tế.

Đối với việc sắp xếp địa giới hành chính cấp xã, Phó Thủ tướng lưu ý Lai Châu không làm dập khuôn máy móc mà phải tính tới các yếu tố về văn hoá, phong tục. Sắp tới Bộ Chính trị sẽ có Nghị quyết riêng về việc sắp xếp đơn vị cấp xã để triển khai sâu rộng trên toàn quốc.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giải đáp các kiến nghị của tỉnh liên quan tới bố trí vốn đầu tư các công trình, dự án quan trọng trên địa bàn. Phó Thủ tướng cho biết trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu để triển khai các tuyến giao thông kết nối Đông-Tây ở miền núi phía bắc, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương trong vùng và với vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Lai Châu Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các cán bộ, chiến sĩ ủa Đồn biên phòng Sin Suối Hồ. Ảnh: VGP/Thành Chung.

Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng tới thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ của Đồn biên phòng Sin Suối Hồ, quản lý hơn 9 km biên giới Việt-Trung với 3 cột mốc biên giới.

THEO CTT CHÍNH PHỦ