Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Lạc lối” ở Kỳ Sơn

Thanh Nguyễn - 12:50, 19/11/2023

Kỳ Sơn (Nghệ An) là vùng đất đa dạng về bản sắc văn hóa của các DTTS Thái, Mông, Khơ mú… ít nơi nào có được. Những “cổng trời”, tháp cổ Yên Hòa, đỉnh Puxailaileng, đền Pu Nhạ Thầu; những cánh rừng sa mu, pơ mu tuyệt đẹp; những lễ hội chọi bò, chợ phiên… mới chỉ nghe qua đã hấp dẫn quá rồi. Lên Kỳ Sơn, đã không ít du khách từng cảm thấy mình “lạc lối”.

vào mùa xuân, Mường Lống ngập tràn hoa mận bung trắng trời
Vào mùa xuân, Mường Lống ngập tràn hoa mận bung trắng trời

Đầu trời ngất đỉnh… Kỳ Sơn

Thật không quá lời khi nói như vậy về vùng đất rẻo cao này. Từ thành phố Vinh lên thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn)  chừng 220km. Đường đến Kỳ Sơn đã xa ngái, nhưng trong nội bộ của huyện thì còn vất vả hơn thế nữa. Quãng đường từ trung tâm huyện đi các xã Na Ngoi, Mỹ Lý, Mường Ải, Keng Đu, Mường Lống… cũng đã mất chừng 1 buổi ngồi xe máy. 

Cũng bởi xa ngái và cách trở, cùng với địa hình đồi núi cao… Kỳ Sơn "xứng đáng" là huyện nghèo bậc nhất xứ Nghệ.

Dẫu vậy thì Kỳ Sơn vẫn đầy hấp dẫn và rất cuốn hút. Những “cổng trời” Mường Lống, tháp cổ Yên Hòa, đỉnh Puxailaileng, đền Pu Nhạ Thầu; những cánh rừng sa mu, pơ mu tuyệt đẹp ở Huồi Tụ; những lễ hội chọi bò, chợ phiên ở Nậm Cắn… mới chỉ nghe qua đã hấp dẫn quá rồi. Lên Kỳ Sơn, đã không ít du khách từng cảm thấy mình “lạc lối”.

Hội chọi bò của người Mông thu hút đông đảo người xem
Hội chọi bò của người Mông thu hút đông đảo người xem

Bất cứ mùa nào trong năm, Kỳ Sơn vẫn có những điểm dừng chân khó cưỡng. Này nhé, vào mùa hè oi bức, “cổng trời” Mường Lống, cánh rừng sa mu, pơ mu xanh mướt ở Tây Sơn và Huồi Tụ… như làm dịu lại cái nắng cháy da của vùng Trung Bộ. Còn mùa thu và mùa đông, đỉnh Puxailaileng cao hơn 2.700m ở Na Ngoi… là những thảm mây bồng bềnh, hư ảo. Riêng mùa xuân, Kỳ Sơn đẹp nao lòng với sắc trắng của mận, sắc hồng của đào, sắc vàng của hoa dã quỳ ở Na Ngoi, Mỹ Lý, Mường Lống, Huồi Tụ… theo du khách về xuôi mang theo chút hương sắc biên cương.

Nếu không tham dự những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS ở Kỳ Sơn là một thiếu sót rất lớn khi đến vùng đất biên viễn này. Kỳ Sơn có 4 cộng đồng dân tộc cùng sinh sống là Thái, Mông, Khơ mú, Kinh; và mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng mà ít nơi nào ở xứ Nghệ bì kịp. Nếu người Mông có lễ hội chọi bò, chọi trâu, ném pao, hát cự xia… cùng trang phục sặc sỡ và tiếng khèn réo rắt, thì người Thái với những nếp nhà sàn cổ kính, lễ hội Khàu Búa Sa, lễ mừng lúa mới… bên ché rượu cần với những điệu lăm vông, khắc luống mời gọi.

Trên đỉnh Puxailaileng
Trên đỉnh Puxailaileng

Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Kỳ Sơn Cụt Thị Hương bảo: Những nét bản sắc văn hóa nơi đây mang đậm “hồn cốt” của bà con các DTTS. Đó là sự đa dạng, phong phú, tinh hoa được kết tinh qua lao động sáng tạo từ nhiều thế hệ, với tâm hồn phóng khoáng của con người, sự bao la, kỳ vĩ của thiên nhiên cùng bao biến động của thiên tai, thời cuộc.

Từ những đặc trưng của vùng đất, từ những nét văn hóa đậm đà không thể trộn lẫn của các DTTS… Kỳ Sơn đang mời bạn về thăm bằng những tour du lịch đầy triển vọng. Những điểm du lịch tại các xã Mường Lống, Mỹ Lý, Huồi Tụ, Tây Sơn, Hữu Kiệm Na Ngoi, Nậm Cắn… cùng làng nghề dệt thổ cẩm ở bản Na Loi, bản Piêng Lau xã Na Loi; bản Kẻo Lực, Phiêng Pô xã Phà Đánh; làng Xốp Thập, làng Nản Na xã Hữu Lập; làng Cầu Tám xã Tà Cạ; làng Noọng Dẻ xã Nậm Cắn… và những món ăn, thức uống của đồng bào DTTS chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách gần xa.

Mường Lống như một miền cổ tích
Mường Lống như một miền cổ tích

Để du lịch Kỳ Sơn cất cánh

Trò chuyện với lãnh đạo huyện Kỳ Sơn, được biết, địa phương đang trong quá trình thực hiện đề án phát triển ngành “công nghiệp không khói” giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Từ các hoạt động du lịch, địa phương đang kỳ vọng sẽ là động lực để bà con miền biên viễn này thay đổi nhận thức, suy nghĩ, tập quán làm kinh tế, phát triển văn hóa và xã hội, từng bước ổn định cuộc sống.

Mà muốn vậy thì chắc chắn còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết, từ các tiềm năng, lợi thế vùng đất, địa phương có thể kết nối với các công ty, doanh nghiệp để hình thành các tour du lịch hoàn hảo, giúp du khách có đủ những trải nghiệm về cuộc sống nơi vùng đất biên cương. Thứ nữa, từ các lễ hội chọi bò, lễ hội hái mận cùng với các điểm du lịch tâm linh như đền thờ Pu Nhạ Thầu, đền thờ cây đa bản Cánh, tháp cổ Yên Hòa… có thể kêu gọi các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đầu tư hoạt động kinh doanh các điểm du lịch văn hóa, tâm linh...

Tại Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu, các trại được dựng theo cách mô phỏng kiến trúc, bài trí nhà ở của mỗi cộng đồng dân tộc ở Kỳ Sơn
Tại Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu, các trại được dựng theo cách mô phỏng kiến trúc, bài trí nhà ở của mỗi cộng đồng dân tộc ở Kỳ Sơn

Quan trọng hơn, phải có một cuộc rà soát, thống kê toàn bộ các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể… để lên kế hoạch bảo tồn, phục dựng. Chưa kể, việc bảo tồn văn hóa các DTTS không thể tách rời cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị xã hội, trường học. Những câu lạc bộ dân ca, dân vũ của đồng bào các DTTS được hình thành sẽ góp thêm một hành động trong công tác bảo tồn trang phục, tiếng nói, chữ viết, bài hát… của chính những dân tộc ấy.

Cần phải nhớ rằng, khó khăn, thách thức từ việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vào hoạt động du lịch ở Kỳ Sơn là rất lớn. Trước hết, Kỳ Sơn là một huyện nghèo, đời sống nhân dân khó khăn. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện chưa được quan tâm đúng mức, việc đầu tư nguồn lực cho công tác bảo tồn các giá trị văn hóa chưa nhiều; việc sưu tầm, lưu giữ các giá trị văn hóa chưa có quy mô, hệ thống, chưa cụ thể đối với từng dân tộc; thiếu lực lượng chuyên môn nghiên cứu sâu về bản sắc văn hóa dân tộc. 

Các CLB văn hóa Mông đang là nơi lưu giữ rất hiệu quả tiếng khèn, trang phục và các bài hát của dân tộc Mông
Các CLB văn hóa Mông đang là nơi lưu giữ rất hiệu quả tiếng khèn, trang phục và các bài hát của dân tộc Mông

Nội dung bảo tồn, phục dựng, chưa toàn diện, chưa rộng khắp, mới chỉ tập trung khôi phục, lưu giữ được các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ và lễ hội truyền thống tiêu biểu một số dân tộc. Trong khi đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở về việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa DTTS còn nhiều hạn chế. Nguồn kinh phí đầu tư cho văn hóa còn thấp, đặc biệt cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa vùng đồng bào DTTS nhưng việc huy động các nguồn xã hội hóa đầu tư cho văn hóa dân tộc rất khó khăn và hạn chế.

Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe cho biết: Văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế xã hội, gìn giữ quốc phòng an ninh. Chính vì lí do đó, cả hệ thống chính trị của huyện sẽ cùng vào cuộc trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS. Trước hết, huyện sẽ tập trung làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ của bà con, của chính quyền các xã về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của bản sắc văn hóa cũng như trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn. Cái đích cuối cùng mà huyện hướng đến là đưa người dân thành chủ thể chính trong việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đưa bảo sắc trở về gần hơn cuộc sống thường ngày của bà con.

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.