Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lạc Dương (Lâm Đồng): Phát triển "nóng" diện tích nhà kính tác động tiêu cực tới môi trường

Lê Vũ - 15:11, 24/12/2020

Những năm qua, việc sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, ứng dụng công nghệ cao tại huyện Lạc Dương đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch nên việc phát triển quá "nóng" diện tích nhà kính cũng đang tác động tiêu cực tới môi trường.

Diện tích nhà kính tăng đột biến tại Lạc Dương trong 5 năm trở lại đây
Diện tích nhà kính tăng đột biến tại Lạc Dương trong 5 năm trở lại đây

Theo thống kê, tính từ 2015 tới nay, trên địa bàn huyện Lạc Dương, diện tích nhà kính đã tăng thêm 700 ha, đưa tổng diện tích nhà kính của địa phương lên tới gần 1.000 ha. Trong đó, diện tích nhà kính trồng rau là 428 ha, hoa 483,2 ha, cây khác 11 ha, chiếm 11,8% tổng diện tích canh tác và 45% diện tích canh tác rau, hoa của địa phương. 

Tuy nhiên, vì quá chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao bằng phương thức trồng cây rau màu, hoa...trong nhà kính, nhà lưới, tại Lạc Dương nhiều năm qua, các hộ dân làm nhà kính khắp nơi, phát triển một cách tự do, ồ ạt, mất kiểm soát. Khắp nội ô và cả vùng ven, nông nghiệp xanh biến mất, chỉ thấy toàn màu trắng nhà kính bao phủ, tạo nên tổng thể kiến trúc biến dạng, mất hẳn vẻ đẹp vốn có.

Không chỉ phá vỡ cảnh quan, tình trạng nhà kính bao phủ còn khiến cho Lạc Dương chịu những tác động tiêu cực về biến đổi khí hậu, môi trường. Điều đáng quan ngại là hiện nay, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp có nhà kính của bà con đang nằm trong khu vực dọc các tuyến sông, suối xung yếu, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bị ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất khi mùa mưa bão đến.

Những năm qua, cứ khi mùa mưa bão về là tại thị trấn Lạc Dương, nhiều diện tích nhà kính bị ngập, bị sập, nghiêng ngả, thậm chí bị lũ cuốn trôi. Đặc biệt, tại xã Lát, hầu hết các hộ dân sản xuất canh tác nhà kính dọc suối Đạ Nghịt đều bị thiệt hại nặng nề về hoa màu, nhà kính gãy đổ.

Ông Nguyễn Xuân Dung, thôn Đạ Nghịt, xã Lát cho biết: Lũ từ suối Đạ Nghịt năm 2019 vừa qua đã mang theo bùn đất, đá sỏi vùi lấp cả khu nhà kính rộng 1,2 ha của gia đình, khiến cho hơn một nửa bị hư hại hoàn toàn. Phần còn lại ni lông bao quanh bị nước xé toang, các trụ sắt xiêu vẹo, nghiêng ngả và để sửa chữa còn tốn kém hơn cả thay mới. Riêng về nhà kính đã thiệt hại ít nhất 1,5 tỷ đồng.

Cảnh ngập lụt gây hư hại nặng nề cho các nhà kính khi trời mưa to, lũ về ở Lạc Dương
Cảnh ngập lụt gây hư hại nặng nề cho các nhà kính khi trời mưa to, lũ về ở Lạc Dương

Lý giải về hiện tượng này, một số chuyên gia cho rằng, do tình trạng nhà kính dày đặc, những cơn mưa đổ xuống không thể trải đều trên mặt đất bởi vướng nhà kính nên sẽ đọng lại, trút về các mương, suối tạo nên những dòng chảy lớn ào ạt, đổ về vùng trũng. Hậu quả gây ra các trận ngập lụt kinh hoàng.

Thiết nghĩ, đã đến lúc Huyện Lạc Dương cần chú tâm đổi mới công tác quản lý phát triển nhà kính, nhà lưới chặt chẽ, hiệu quả hơn, đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, cũng như nâng cao hiệu quả, phát triển ngành nông nghiệp toàn diện bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Theo đó, Lạc Dương cần tiến hành quy hoạch lại hệ thống nhà kính, nhà lưới, gắn với phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường…

Ngoài việc tổ chức rà soát, sắp xếp, quy hoạch cụ thể các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các vùng được phép làm nhà kính, nhà lưới sản xuất, huyện Lạc Dương cũng cần phải tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân hiểu rõ việc phát triển nhà kính, nhà lưới nếu không theo quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, tác động đến kinh tế - xã hội của địa phương. Vận động hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp chuyển đổi canh tác cây trồng trong nhà kính sang canh tác ngoài trời, chuyển đổi nhà kính không đạt chuẩn sang sử dụng nhà kính đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và xây dựng bộ khung mẫu nhà kính đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật.