Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỹ thuật nuôi và chăm sóc gà giò siêu thịt

Như Ý - 19:23, 18/07/2023

Gà giò còn có tên gọi khác của gà tơ. Đây là giống gà được bà con nông dân ưa chuộng bởi đặc tính ăn nhiều, lớn nhanh cho lượng thịt cao. Ðể nuôi gà giò đạt năng suất cao, tăng trưởng tốt thì khâu kỹ thuật nuôi, chăm sóc, chế độ cho ăn và nước uống đóng vai trò vô cùng quan trọng. Sau đây là kỹ thuật nuôi gà giò siêu thịt mang lại hiệu quả cao mời bà con tham khảo.

Gà giò là giống gà được bà con nông dân ưa chuộng bởi đặc tính ăn nhiều, lớn nhanh cho lượng thịt cao. Ảnh minh họa
Gà giò là giống gà được bà con nông dân ưa chuộng bởi đặc tính ăn nhiều, lớn nhanh cho lượng thịt cao. Ảnh minh họa

Môi trường nuôi gà giò siêu thịt

Gà giò ở thời kỳ này tăng trọng rất nhanh nên không chịu được nóng. Mùa Hè cần làm giảm nhiệt độ chuồng bằng quạt và phun nước trên mái. Chất độn chuồng phải khô sạch.

Vào mùa Đông không để nhiệt độ trong chuồng dưới 25 độ C vì gà mất năng lượng, tăng trọng chậm. Tuy nhiên, môi trường trong chuồng vẫn phải thông thoáng khi che bạt kín quanh chuồng.

Mật độ nuôi gà

Mùa Đông nên nuôi với mật độ từ 10 - 12 con/m2 nền. Còn vào mùa Hè mật độ nuôi từ 8 - 10 con/m2. Mật độ máng ăn cần rộng khoảng 5 - 7 cm miệng máng/gà. Nếu chật gà chen nhau ăn và con khỏe sẽ ăn được nhiều. Con yếu ăn ít làm cho đàn gà không đồng đều, phải loại thải nhiều. Lưu ý không để gà đói quá 2 giờ.

Mật độ máng uống cần rộng khoảng 2 - 3 cm, miệng máng uống dài hoặc tròn/gà. Mùa Hè cần bổ sung máng uống, vì gà sẽ uống nhiều hơn so với các mùa khác.

Lưu ý để gà uống liên tục, không để gà thiếu nước bất kỳ lúc nào.

(Tổng hợp) Kỹ thuật nuôi và chăm sóc gà giò siêu thịt 1

Kỹ thuật nuôi và chăm sóc gà giò siêu thịt

Trong quá trình nuôi bà con cần lưu ý khẩu phần thức ăn cho gà tương ứng với giai đoạn nuôi:

Khẩu phần thức ăn khởi động: Lúc gà 0 - 3 tuần tuổi bảo đảm chất lượng thức ăn tốt nhất so với các giai đoạn kết tiếp, nhất là Protein và Axit Amin.

Khẩu phần thức ăn tăng trưởng: Lúc gà 4 - 5 tuần tuổi cần chứa năng lượng cao hơn, nhưng protein và Axit Amin thấp hơn so với khẩu phần thức ăn khởi động.

Khẩu phần thức ăn kết thúc (vỗ béo) và giết thịt: Lúc gà 5 tuần tuổi chứa năng lượng xấp xỉ, nhưng Protein và Axit Amin thấp hơn so với khẩu phần thức ăn tăng trưởng. Còn các vật chất khác bảo đảm xấp xỉ nhau qua 3 giai đoạn nuôi.

Gà giò nguyên tắc phải cho ăn tự do 23 - 24 giờ/ngày, không để đói quá 2 giờ. Có thể cho ăn theo bữa, với khoảng cách 25 - 30 phút/lần, sau đó tắt điện, khi cho ăn mới bật điện.

Gà ăn theo đúng khẩu phần: Nếu cho gà ăn không đúng khẩu phần thức ăn sẽ gây nên hiện tượng thừa hoặc thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức sống, duy trì và phát triển của gà Broiler ở mỗi giai đoạn tuổi.

Vào mùa nóng gà thịt ăn ít hơn 10% so với mùa thu và mùa Đông, vì vậy phải tăng 2% Protein, giữ nguyên mức năng lượng. Nếu bổ sung mỡ, dầu ăn để cân đối năng lượng vào mùa hè thì tốt, do mỡ, dầu ăn dễ tiêu hoá và khi tiêu hóa hầu như không sản sinh ra nhiệt.

Cung cấp đầy đủ số lượng thức ăn tuỳ theo tuổi gà: Khả năng tiêu thụ thức ăn của gà phụ thuộc vào mức năng lượng trong khẩu phần, và nhiệt độ môi trường, Stress, bệnh tật và màu sắc, mùi vị thức ăn. Khi mức năng lượng cao hơn tiêu chuẩn thì mức tiêu thụ thức ăn giảm và ngược lại, gà sợ tiếng động: bị bệnh, nhiệt độ môi trường cao cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng gà ăn ít.

(Tổng hợp) Kỹ thuật nuôi và chăm sóc gà giò siêu thịt 2

Sau khi gà 3 - 4 tuần tuổi có thể phân biệt được trống, mái thì tách riêng để nuôi. Gà trống xuất bán trước 1 tuần, do khối lượng gà trống lúc 6 tuần tuổi cao hơn gà mái 30%. Như vậy có thể giải phóng chuồng sớm để nuôi lứa khác, giảm nhân công, năng lượng, thuốc phòng chống bệnh cho 1/2 số lượng gà nuôi trong 1 tuần.

Thức ăn theo chế độ trống, mái dễ dàng để khai thác tối đa mức tăng trọng của con trống. Thực tế cho thấy, 2 tuần đầu gà trống, gà mái ăn khẩu phần thức ăn như nhau, nhưng sang tuần thứ 3 trở đi gà trống ăn nhiều hơn gà mái, mức Protein thô trong thức ăn cao hơn 2% so gà mái, còn mức năng lượng như nhau. Ðộ đồng đều của gà cao, tăng năng suất thịt.

Chế độ nước uống của gà phải luôn bảo đảm trong, sạch. Hàng ngày gà phải được uống thoải mái. Gà tiêu thụ gấp 3 lần lượng thức ăn tính bằng khối lượng (g/kg).

Kiểm tra nguồn nước cung cấp thường xuyên qua các chỉ tiêu vi sinh vật, khoáng (chủ yếu là sắt). Nếu vượt tiêu chuẩn quy định phải xử lý vệ sinh nguồn nước uống. Máng uống cho gà giò luôn đặt ngang lưng gà để gà dễ uống.

Chế độ thức ăn cho gà giò
Chế độ thức ăn cho gà giò

Bà con cần lưu ý hiện tượng gà mổ cắn nhau vì đây là hiện tượng thức ăn của gà đang thiếu chất dinh dưỡng, mật độ nuôi cao, môi trường ngột ngạt do thiếu không khí và tích tụ lượng khí độc cao. Vì vậy khi gà bị mổ cắn tốt nhất nên nuôi cách ly. Khi gà trên 5 tuần tuổi phải giảm bớt mật độ nuôi, môi trường nuôi thông thoáng, chất độn chuồng khô.

Trong giai đoạn úm hàng ngày kiểm tra và dọn rìa xung quanh máng uống, độn chuồng bị ướt, xới đảo độn lót chuồng từ 7 - 10 ngày/lần và bổ sung thêm lượt mỏng độn lót. Không thay độn lót chuồng thường xuyên.

Để bảo đảm cho đàn gà khỏe mạnh, chuồng nuôi, vườn chăn thả phải thường xuyên vệ sinh sát trùng bằng các loại thuốc sát trùng 1 tuần 1 lần hoặc vôi bột 15 ngày/lần. Phòng bệnh cho gà theo đúng lịch. Máng ăn hàng ngày phải vệ sinh bằng cách dùng khăn lau sạch trước khi đổ thức ăn, tiêu độc máng ăn 1 lần/tuần.

Máng uống hàng ngày phải cọ rửa. Phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng nuôi 1 lần/tuần trong trường hợp khu vực không có dịch bệnh và 3 ngày/lần khi khu vực xung quanh có dịch bệnh.

Hàng ngày phải thay thuốc sát trùng trong khay để trước cửa ra vào chuồng nuôi. Khu vục vườn thả phải dọn dẹp, san lấp những hố vũng, phát quang bụi rậm, không được để sân vườn đọng nước.