Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỹ thuật nuôi cá leo thương phẩm trong ao

Như Ý - 10:57, 08/01/2021

Cá leo là một loài cá da trơn trong họ Cá nheo (Siluridae). Người ta có thể thấy loài cá này trong các sông và hồ lớn. Là cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao, thời gian nuôi ngắn, thích nghi tốt ở các điều kiện sinh thái ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ.

Ca leo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh TL
Ca leo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh TL

1. Điều kiện ao nuôi

- Ao nuôi không bị cớm rợp

- Diện tích ao 1.000 - 3.000m2

- Bờ ao chắc chắn, không bị rò rỉ, giữ được mức nước trong ao ổn định. Bờ phải cao hơn mức nước cao nhất 50cm

- Có cống cấp và cống thoát riêng biệt

- Nguồn nước cấp vào phải chủ động, không bị ô nhiễm

- Mức nước trong ao: 1,2 - 1,5m là tốt nhất

2. Cải tạo ao

- Tháo cạn nước ao, dọn sạch cỏ rác ở ao và ven bờ, tu sửa lại bờ, cống ao, đăng chắn.

- Vét bùn, chỉ nên để lại lớp bùn đáy 20 - 30m

- Dùng vôi bột rải đều đáy ao với lượng 10 - 15kg/100m2 để tẩy ao, khử trùng, diệt tạp.

- Sau khi rải vôi nên trang lộn vôi với bùn đáy.

- Phơi đáy ao 5 - 7 ngày.

- Cấp nước: Cho nước vào ao trước khi thả cá 3 - 5 ngày (phải có đăng, mành chắn để ngăn địch hại theo dòng nước lọt vào ao).

3. Chọn và thả giống

- Mùa vụ thả: Thả giống từ tháng 3 - 4 dương lịch

- Chọn giống: Cá giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Chọn cá khoẻ mạnh, không dị hình, dị tật, không có dấu hiệu bệnh lý. Cá đồng đều, cân đối, không bị xây xát, không mất nhớt, bơi lội nhanh nhẹn, bơi chìm trong nước theo đàn.

- Mật độ thả: Tùy thuộc điều kiện cụ thể của ao và trình độ kỹ thuật của chủ hộ mà định ra mật độ nuôi cho phù hợp, có thể thả 2 - 3 con/m2.

- Cách thả: Cá giống được thả vào sáng sớm hoặc chiều mát, thả từ từ để cá thích nghi với môi trường ao nuôi. Trước khi thả tắm cho cá bằng dung dịch nước muối 2 - 3% trong thời gian 5 - 10 phút.

4. Chăm sóc và quản lý

4.1. Chăm sóc

- Thức ăn: Có 3 loại là thức ăn tươi sống, thức ăn chế biến và thức ăn công nghiệp.

- Thức ăn chế biến của cá leo được phối trộn theo tỉ lệ như sau: Bột cá (55,6%) + Đỗ tương (2,8%) + Bột mì (7,1%) + Cám gạo (5%) + Dầu cá (1,5%) + Vi lượng Vitamin (2%).

* Cách chế biến thức ăn

- Nếu cho ăn riêng thức ăn chế biến và thức ăn tươi sống

+ Đối với thức ăn là cá: Rửa sạch cá, cắt nhỏ vừa cỡ miệng cá.

+ Đối với thức ăn chế biến: Nguyên liệu phải được nghiền thành bột, trộn đều, cho thêm nước đủ độ ẩm và ép thành viên. Sau đó, sấy khô để bảo quản cho cá ăn dần.

- Nếu phối trộn thức ăn chế biến với thức ăn tươi sống

Tỷ lệ về khối lượng giữa cá nghiền và các nguyên liệu còn lại là 1/1. Dùng máy ép hỗn hợp thành viên thức ăn cỡ 3 - 4mm sau đó nắm lại thành từng nắm có khối lượng 200 - 300g/nắm.

* Cách cho ăn

- Nếu cho ăn riêng rẽ thức ăn chế biến và thức ăn tươi sống: Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Buổi sáng cho cá ăn thức ăn tươi sống, buổi chiều cho cá ăn thức ăn viên chế biến. Tỷ lệ khối lượng giữa thức ăn chế biến và thức ăn tươi sống là 1/1.

- Nếu cho ăn thức ăn phối trộn: Cho cá ăn 1 lần vào sáng sớm.

* Lượng thức ăn: Khối lượng thức ăn dựa vào khối lượng của cá.

Trọng lượng trung bình của cá trong ao (g/con)

Lượng thức ăn (tính bằng % trọng lượng cá trong ao)

20 - 150

4,0 - 5,0

150 - 300

3,5 - 4,0

300 - 600

3,0 - 3,5

> 600

2,5 - 3

- Nếu cho ăn thức ăn công nghiệp: Lượng thức ăn cho ăn hàng ngày theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

* Lưu ý:

- Trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, giảm lượng thức ăn còn khoảng 40 - 70% so với bình thường.

- Trong ao nên đặt các sàng để kiểm tra thức ăn. Cứ 1.000m2 đặt 2 sàng. Sàng có diện tích 1m2 được đặt cách đáy ao 10 - 20cm.

4.2. Quản lý

- Tùy vào điều kiện cụ thể, trong ao có thể lắp máy phun mưa nhân tạo hoặc máy quạt nước phòng trường hợp cá nổi đầu do lâu ngày không thay được nước hoặc do thời tiết thay đổi bất thường.

- Thường xuyên cho nước chảy qua ao nuôi. Trong trường hợp không có nước chảy qua thì dùng máy bơm để tạo dòng chảy trong ao nuôi.

- Trong trường hợp độ sâu ao dưới mức quy định, phải kiểm tra bờ, cống tìm chỗ rò rỉ để xử lý rồi cấp thêm nước vào ao cho đạt độ sâu quy định.

- Nếu thấy thức ăn vẫn còn trong sàng cho cá ăn, phải giảm lượng thức ăn cho phù hợp.

- Mỗi tháng kiểm tra cá 1 lần, xác định khối lượng của 30 - 50 cá thể để theo dõi sinh trưởng của cá và phát hiện tình trạng phát sinh bệnh trong ao nuôi.

* Các biện pháp phòng bệnh tổng hợp

- Làm sạch môi trường nước và ao nuôi:

+ Nguồn nước lấy vào ao nuôi phải sạch.

+ Trước khi thả phải cải tạo ao đúng quy trình kỹ thuật.

- Tăng sức đề kháng cho cá:

+ Chọn giống phải khoẻ mạnh, kích cỡ đồng đều, không dị hình.

+ Thường xuyên bổ sung Vitamin và khoáng cho cá nuôi.

+ Tránh không làm cá bị sốc.

- Ngăn ngừa bệnh:

+ Chọn con giống đã qua kiểm dịch.

+ Tuân thủ lịch mùa vụ.

+ Không thả cỡ cá quá nhỏ, không nên nuôi với mật độ quá dày.

+ Định kỳ dùng vôi rải quanh bờ và xuống ao nuôi.

5. Thu hoạch cá

- Sau thời gian 6 tháng nuôi, tùy thuộc vào nhu cầu thị trường để tiến hành thu hoạch.

- Ngừng cho cá ăn trước khi thu 1 ngày.

- Có thể thu hoạch cá thịt bằng cách đánh tỉa những con lớn hoặc thu hoạch một lần khi cá đạt kích cỡ đồng đều./.