Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra an toàn, đúng quy chế

Thúy Hồng - 23:32, 29/06/2023

Đó là khẳng định của ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tại cuộc họp báo chiều 29/6 về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thông tin tại buổi họp báo
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thông tin tại buổi họp báo

Công tác chuẩn bị thi bảo đảm kỹ lưỡng

Sau hai ngày thi 28, 29/6/2023, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước. Công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các Điểm thi bảo đảm nghiêm túc, đúng Kế hoạch.

Theo ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 29/5/2023 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023; thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, phân công trách nhiệm cho các thành viên Ban Chỉ đạo; ban hành đầy đủ, kịp thời hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Kỳ thi.

Bộ cũng đã chủ động gửi công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành và cơ quan liên quan thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chỉ đạo chuẩn bị, tổ chức tốt Kỳ thi. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh và các văn bản hướng dẫn; xây dựng kế hoạch tổ chức thi sát thực tế, bảo đảm rõ người, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm và thời gian thực hiện.

Ngay sau khi kết thúc ngày thi đầu tiên, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công điện số 1111/CĐ-BGDĐT về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn Kỳ thi gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường phòng chống, việc sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử.

Bộ GD&ĐT đã thành lập 5 đoàn kiểm tra và 10 đoàn kiểm tra chuyên sâu từ công tác chuẩn bị thi đến công tác chấm thi. Tại các địa phương, tổ chức 63 đoàn thanh tra công tác chấm thi tại các Hội đồng chấm thi. Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị lực lượng cán bộ, viên chức 76 cơ sở giáo dục đại học và 63 Sở GD&ĐT với số lượng 158 người được tổ chức tập huấn đầy đủ và kiểm tra đạt yêu cầu để bố trí tham gia các đoàn kiểm tra công tác chấm thi tại 63 Sở GD&ĐT và Hội đồng thi, trong suốt quá trình chấm thi. Hiện các đoàn đã xây dựng kế hoạch tiến hành kiểm tra và đang chuẩn bị sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ ngay sau khi công tác coi thi kết thúc và theo lịch chấm thi của các địa phương. 

Công tác in sao đề thi, vận chuyển đề thi bảo đảm bảo mật, độ tin cậy, không có hiện tượng, yếu tố làm ảnh hưởng đến kỳ thi, bảo đảm an toàn, nghiêm túc.

Toàn cảnh buổi họp báo
Toàn cảnh buổi họp báo

41 thí sinh bị đình chỉ thi

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Kỳ thi năm nay có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi, với 2.272 điểm thi; 43.032 phòng thi. Các điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.

Tổng số thí sinh dự thi: 1.012.398 đạt tỷ lệ 98,86%, so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, môn Ngữ văn: 99,65%; Toán: 99,63%; Khoa học Tự nhiên: 99.72%; Khoa học Xã hội: 99,62% ; Ngoại ngữ: 99.61%;

Số thí sinh vi phạm Quy chế thi: 41 thí sinh bị đình chỉ thi (Ngữ văn: 12 thí sinh, Toán: 4 thí sinh; Khoa học tự nhiên: 11 thí sinh; Khoa học xã hội: 11 thí sinh; Ngoại ngữ: 3 thí sinh. Trong đó có 1 thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi). Số cán bộ coi thi dừng thực hiện nhiệm vụ: 6 cán bộ.

Cán bộ, thí sinh chủ động phát hiện các thiết bị công nghệ cao (điện thoại, đồng hồ thông minh…): 40 trường hợp. Đặc biệt, có 1 thí sinh tại Vĩnh Phúc đã phát hiện và báo giám thị về 1 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.

Thiếu tướng Trần Đình Trung, Phó Cục trưởng Cục an ninh chính trị nội bộ A03 thông tin tại buổi họp báo
Thiếu tướng Trần Đình Trung, Phó Cục trưởng Cục an ninh chính trị nội bộ A03 thông tin tại buổi họp báo

Tuy nhiên, trong quá trình coi thi, cá biệt còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế sử dụng điện thoại trong phòng thi và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình quy định khi coi thi. Trong đó có việc 2 thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải đề thi. Hình ảnh sau đó bị lan truyền trên mạng xã hội và báo chí. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ xác minh làm rõ và đình chỉ 2 thí sinh trên. Hai thí sinh đã bị đình chỉ, cán bộ coi thi cũng đã bị đình chỉ để phục vụ công tác điều tra. Hiện Cục An ninh chính trị nội bộ đang tiếp tục làm rõ những vấn đề khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Hai sự việc trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức Kỳ thi.

Thông tin tại buổi họp báo về gian lận công nghệ cao trong an toàn thi, Thiếu  tướng Trần Đình Trung, Phó Cục trưởng Cục an ninh chính trị nội bộ A03 cho biết: Liên quan đến 2 thí sinh chụp ảnh đề thi gửi ra bên ngoài đã xác định được đối tượng kết nối. Cục sẽ tiếp tục xác minh đã có kết quả gửi từ bên ngoài vào hay chưa. Tuy nhiên trong quá trình kỳ thi diễn ra có chỉ 1, 2 trường hợp nên không ảnh hưởng đến chất lượng của kỳ thi.

Chất lượng đề thi có sự phân hóa

Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Đề thi bám sát chương trình THPT, chuẩn kiến thức kỹ năng có sự phân hóa phù hợp, đạt mục đích làm căn cứ xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc các câu hỏi trong đề thi môn Ngữ Văn có sự trùng lặp với đề thi thử của tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng Ban đề thi cấp Quốc gia cho biết: Đề thi năm nay nằm trong chương trình lớp 12, không ra vào chương trình giảm tải và có tính phân hóa. Năm nay, lần đầu tiên Bộ thực hiện quy trình có kiểm soát bằng phần mềm để loại trừ sự trùng lặp.

Ông Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, đề thi Ngữ văn có 2 phần Đọc hiểu và Làm văn. Phần Đọc hiểu cơ bản ngữ liệu sử dụng không nhất thiết phải nằm trong chương trình, đây là điểm mới, có tính mở cao.

Phóng viên báo chí đặt câu hỏi tại buổi họp báo
Phóng viên báo chí đặt câu hỏi tại buổi họp báo

Với phần Đọc hiểu, tổ ra đề luôn hướng đến các vấn đề xã hội, thời sự, có tính giáo dục. Với phần làm văn, học sinh năm nay vẫn đang học theo Chương trình GDPT 2006 và đề thi phải ra trong tác phẩm nằm trong chương trình theo như quy định.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hà, năm 2023, cùng với năm 2024, kết thúc Chương trình GDPT 2006, công tác ra đề thi vẫn giữ ổn định. Thời điểm sau đó, khi Chương trình GDPT 2018 đã thực hiện đồng bộ ở các cấp học, đề thi sẽ có tính mở cao. "Khi đó, mới có những vấn đề mang tính sáng tạo nhiều hơn. Hiện tại, do vấn đề về quy định, Ban ra đề chỉ có thể làm tốt nhất trong khả năng", ông Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh.