Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào 20/7

PV - 19:56, 14/06/2021

Dự kiến tổng thời gian kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV là 11,5 ngày làm việc. Trong đó, công tác nhân sự là 5 ngày; xem xét các báo cáo và một số nội dung khác là 4,5 ngày; khai mạc, bế mạc là 1 ngày...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tại phiên họp thứ 57 diễn ra vào chiều 14/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận Báo cáo về một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến chương trình kỳ họp được xây dựng theo hướng: Không tiến hành công tác tổ chức, nhân sự liền mạch từ đầu đến cuối mà bố trí xen kẽ với các nội dung khác để vừa thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục, vừa tiết kiệm thời gian (trong thời gian Quốc hội bầu, phê chuẩn nhân sự, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm chất lượng các dự thảo nghị quyết).

Đồng thời, xem xét, quyết định nhân sự các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội ngay sau phiên khai mạc để các cơ quan này thực hiện các nhiệm vụ theo quy định (vì đến thời điểm khai mạc kỳ họp, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và Tổng Thư ký Quốc hội khóa XIV sẽ kết thúc nhiệm vụ; riêng Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV được hoạt động cho đến khi Quốc hội bầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV).

Tại phiên họp này, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội khóa mới.

Bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên họp: Khai mạc, bế mạc; thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Dự kiến tổng thời gian kỳ họp là 11,5 ngày làm việc. Trong đó, công tác nhân sự: 5 ngày; xem xét các báo cáo và một số nội dung khác: 4,5 ngày; trù bị: 0,5 ngày; khai mạc, bế mạc: 1 ngày; dự phòng: 0,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị vào chiều ngày 19/7; khai mạc vào ngày 20/7 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 3/8/2021.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Ông Bùi Văn Cường cho biết, với đặc thù về nội dung kỳ họp, Quốc hội cần họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo để bảo đảm phục vụ tốt nhất cho kỳ họp, nhất là có phương án, kế hoạch cụ thể cho phòng, chống dịch theo tình hình thực tế.

Về các điều kiện bảo đảm, Văn phòng Quốc hội đã tăng cường công tác chỉ đạo, chủ động, phối hợp với cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công tác chuẩn bị, phục vụ về thông tin, tài liệu, tuyên truyền, báo chí, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh... nhằm phục vụ tốt nhất cho kỳ họp.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, cơ bản thống nhất với dự kiến chương trình kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tại kỳ họp thứ nhất, bên cạnh công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định rất nhiều nội dung quan trọng khác như: Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, kế hoạch tài chính trung hạn, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch sử dụng đất 5 năm tới... Vì vậy, cần tính toán hết các công việc phải làm tại kỳ họp để các đại biểu Quốc hội có đủ thời gian xem xét, quyết định các vấn đề, bảo đảm chất lượng kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu các ý kiến cụ thể về cách thức, thời gian thực hiện công tác nhân sự trong chương trình kỳ họp cũng như bày tỏ nhất trí với đề xuất họp tập trung tại Nhà Quốc hội./.