Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV: Bảo đảm tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh

Minh Thu - 18:41, 21/07/2021

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, chiều 21/7/2021, Quốc hội làm việc tại hội trường để nghe Tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường chiều 21/7
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường chiều 21/7

Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Trên cơ sở xem xét đề nghị của Chính phủ,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, trình Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê để cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lùi thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) sang Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) để Chính phủ có thêm thời gian chuẩn bị, bảo đảm chất lượng, tính khả thi, tính đồng bộ, thống nhất của dự án Luật.

Sau khi điều chỉnh, bổ sung, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 sẽ là: Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV (tháng 7/2021), thông qua 01 dự thảo Nghị quyết; Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV (tháng 10/2021), thông qua 01 dự án luật theo quy trình tại một kỳ họp; cho ý kiến 05 dự án luật khác.

Về Dự kiến Chương trình năm 2022: Tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) sẽ thông qua 05 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 và dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; cho ý kiến 05 dự án luật khác. Tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) sẽ thông qua 04 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3; cho ý kiến 02 dự án luật khác (trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho ý kiến lần 2).

Thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) cho rằng: Nhân dân rất kỳ vọng Quốc hội có Nghị quyết về phòng chống dịch, thể hiện quyết tâm chính trị của Quốc hội trong phòng chống dịch Covid-19. Các Luật, Nghị quyết đã được thông qua cần có kế hoạch triển khai thực hiện, bảo đảm thực chất hơn.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) đề xuất, Quốc hội cần chú trọng nâng cao kỹ năng xây dựng luật, pháp lệnh cho đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu mới trúng cử. Cần nâng cao hơn nữa vai trò phản biện chính sách để chính sách thực sự đi vào thực tiễn, trong đó đặc biệt coi trọng việc lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: Quốc hội cần dành thời gian thảo luận nhiều hơn cho công tác lập pháp (về quy trình, việc soạn thảo, tính trách nhiệm, việc đầu tư nguồn lực cho công tác lập pháp). Cần nhanh chóng rà soát những chồng chéo, mâu thuẫn trong luật để sửa đổi. Cần sớm có báo cáo rà soát, từ đó đưa vào quá trình làm luật, bảo đảm sát với thực tiễn.

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã làm rõ một số thông tin các đại biểu Quốc hội quan tâm. Về việc chuẩn bị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, hiện, Chính phủ đã có 4 tờ trình về việc đưa Luật Đất đai vào Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV và khẳng định đây là một cố gắng lớn của Chính phủ.

Về công tác phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Chính phủ đã và đang nỗ lực hết mình trong chỉ đạo, điều hành, với một số Nghị quyết trình Quốc hội. Tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội một số Luật như Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật về dược, về hải quan, thuế…

Kết luận phiên thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ nhất trí cao với các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong việc đề xuất thêm nhiều giải pháp cụ thể, bảo đảm tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh cả trước mắt và lâu dài; cá thể hóa trách nhiệm trong xây dựng pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, soạn thảo một số luật, pháp lệnh; khẩn trương thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành các dự án luật, sớm đi vào cuộc sống, bảo đảm vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế. Cùng đó, các các cơ quan liên quan cần sớm chuẩn bị các dự án Luật cho Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV để kịp đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.