Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật

Thanh Huyền - 16:30, 21/11/2019

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 21/11/2019, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường

Tại Hội trường, các đại biểu tập trung thảo luận về phạm vi sửa đổi, bổ sung; trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; việc bỏ quy trình lập đề nghị xây dựng đối với một số nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh; việc bổ sung các trường hợp và thẩm quyền quyết định xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn…

Các đại biểu đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật trên cơ sở đánh giá kết quả thực tiễn thời gian qua. Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định liên quan nội dung bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, hiệu lực, hiệu quả. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều cho hợp lý, sát thực tế, cụ thể hơn nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh trong thực tiễn; phù hợp với định hướng về một số giải pháp tăng cường triển khai thi hành Hiến pháp.

Trước đó, ngày 20/11, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi). Bộ luật quy định: Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

Bộ Luật quy định, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Bộ luật, Quốc hội đã bấm nút biểu quyết về một số nội dung quan trọng. Thể hiện ý kiến trước quy định tại Điều 112 về nghỉ lễ, Tết, có 452/455 đại biểu tán thành (93,58%). Theo đó, người lao động sẽ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, Tết gồm: Tết Dương lịch 1 ngày; Tết Âm lịch 5 ngày; ngày 30/4; ngày 1/5; Quốc khánh nghỉ 2 ngày; Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày...