Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Cần sớm ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

Thanh Huyền - 17:17, 19/11/2019

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 19/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp

Thảo luận tại Hội trường, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá, việc ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là một chủ trương quan trọng, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, tạo nền tảng pháp lý vững chắc, ổn định, góp phần làm minh bạch môi trường kinh doanh cũng như tạo cơ hội để thu hút các nguồn lực to lớn của tư nhân cho việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia trong thời gian tới. Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo PPP.

Theo đại biểu Quốc hội Hà Thị Lan (Bắc Giang), việc đầu tư theo PPP thời gian qua đã góp phần quan trọng trong phát triển các công trình lớn của đất nước. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có những quy định cụ thể, chặt chẽ về mặt pháp lý trong hoạt động này, vì vậy việc ban hành Luật Đầu tư theo PPP là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nhiều đại biểu đánh giá, hồ sơ dự án Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, tuân thủ đúng quy trình và yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng điều kiện trình Quốc hội. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, luật hóa tối đa các quy định tại các văn bản dưới luật đã được áp dụng ổn định thời gian qua vào dự án Luật, giảm thiểu các quy định chờ hướng dẫn nhằm bảo đảm tính đồng bộ, công khai, minh bạch của Luật được ban hành. Điều quan trọng hiện nay là làm sao để ban hành được một bộ luật về lĩnh vực này với những điều khoản, quy định cụ thể, khoa học. Dự thảo luật phải có những quy định rõ ràng, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, không gây thiệt hại cho Nhà nước mà vẫn tạo ra được sự cạnh tranh lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Các đại biểu cho rằng, để nâng cao hiệu quả trong hoạt động đầu tư theo PPP, Nhà nước cũng cần có những quy định thông thoáng, không chỉ tạo sự hấp dẫn cho các tập đoàn lớn mà còn thu hút các cá nhân đầu tư vào hoạt động cung cấp các dịch vụ công. Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và xác định một cách có chọn lọc về các lĩnh vực đầu tư, công khai, minh bạch, quy định cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực…

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội và cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để làm việc và thảo luận, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, để Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 9.