Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Cấp thiết ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

PV - 21:07, 23/05/2019

Trong thời gian dài, rượu, bia đang bị lạm dụng quá mức, gây nguy hại cho sức khỏe con người; là hiểm họa, nguy cơ gây tai nạn giao thông, suy thoái giống nòi; là nguyên nhân của đói nghèo, đặc biệt đối với vùng cao, nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số…. Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường ngày 23/5 về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại Hội trường về Luật phòng, chông tác hại rượu, bia. Đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại Hội trường về Luật phòng, chông tác hại rượu, bia.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và Hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết, quan điểm xây dựng và một số nội dung chủ yếu của dự án Luật. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đồng thời tiếp tục khảo sát, tổ chức các hội nghị lấy ý kiến, đối thoại với các đối tượng chịu sự tác động. Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia còn 36 điều, ít hơn 02 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình.

So với pháp luật hiện hành, dự thảo Luật đã luật hóa hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật này, các đại biểu đều bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành, tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, các chính sách của nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm lượng tiêu thụ rượu, bia. Nhiều đại biểu đề nghị phải làm rõ tác hại của rượu bia, gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế - xã hội, một trong những nguy cơ hàng đầu gây tàn tật và tử vong của người Việt Nam; nguyên nhân liên quan đến rối loạn tâm thần người lái xe gây tai nạn giao thông, gây tổn thương cả về tinh thần, tính mạng, cuộc sống của bản thân và người khác.  Để hạn chế tác hại trong việc sử dụng, lạm dụng rượu, bia trong sinh hoạt đời sống hằng ngày nên đẩy mạnh việc tuyên truyền, xây dựng ý thức của người dân, của cộng đồng, xã hội để giảm bớt việc tiêu thụ rượu, bia.

Đại biểu Quàng Thị Vân (Điện Biên) cho rằng, trong thời gian dài, rượu, bia đang bị lạm dụng quá mức, gây hại cho sức khỏe con người, là hiểm họa, nguy cơ gây tai nạn giao thông, suy thoái giống nòi, là nguyên nhân của đói nghèo, đặc biệt đối với vùng cao, nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Đại biểu đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để Luật đi vào cuộc sống và được thực thi một cách nghiêm túc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, quá trình soạn thảo Luật bên cạnh việc bảo vệ sức khỏe Nhân dân nhưng bảo đảm sự phát triển của ngành công nghiệp rượu, bia công nghiệp và thủ công cũng như thu nhập của người lao động, sản xuất để có lộ trình thích ứng, có giải pháp xử lý, đảm bảo tính đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Đoàn Chủ tịch và các cơ quan hữu quan ghi nhận và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phòng bày tỏ tin tưởng với trách nhiệm của người đại biểu, Quốc hội sẽ sáng suốt khi quyết định thông qua Luật này. Cùng với đó, kỳ vọng Luật sẽ nâng cao ý thức người dân về việc sử dụng rượu, bia.

Cũng trong ngày 23/5, Quốc hội nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thư viện. Quốc hội thảo luận tại tổ về hai dự án Luật này.

THANH HUYỀN