Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Cần thắt chặt kỷ cương trong quy hoạch, quản lý đất đai tại đô thị

PV - 16:52, 27/05/2019

Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ngày 27/5, Quốc hội dành cả ngày làm việc để nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 và thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giám sát. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trước Quốc hội.

Điểm đáng chú ý tại kỳ họp này là sự đổi mới trong việc báo cáo kết quả giám sát trước Quốc hội. Đoàn giám sát sử dụng hình thức báo cáo bằng hình ảnh trước Quốc hội, góp phần chuyển tải sinh động về kết quả giám sát chuyên đề.

Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, qua giám sát, Đoàn giám sát ghi nhận trách nhiệm cao của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương trong thời gian qua và khẳng định việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị từng bước đi vào nề nếp. Chính sách tài chính về đất đai đã đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng chỉ ra, công tác ban hành, thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai đô thị vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị còn bất cập, hạn chế; chất lượng một số phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồ án quy hoạch đô thị chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm trong quản lý và phát triển đô thị; việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị tại một số địa phương còn hạn chế, chưa thực chất.

Đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc tại hội trường Đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc tại hội trường.

Bên cạnh đó, báo cáo của Đoàn giám sát chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan, bộ ngành và địa phương trong việc ban hành văn bản, tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Thảo luận tại hội trường về vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng, chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, thể hiện kiểu tư duy nhiệm kỳ, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm. Đồng thời, ở các khu tái định cư cho dân, chỉ tiêu hạ tầng, các tiện ích chất lượng công trình đạt thấp nhất, gây hệ lụy, tổn thất về kinh tế và bức xúc cho người dân. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo thắt chặt kỷ cương trong quy hoạch, quản lý quy hoạch đồng thời phải thường xuyên kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm trong quản lý đất đai tại đô thị…

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), việc triển khai thực hiện các dự án quy hoạch chuyên ngành còn chậm, thiếu đồng bộ, thiếu kết nối. Các dự án nhà ở thương mại, dịch vụ không đáp ứng nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Chính phủ cần thực hiện nghiêm, công khai, minh bạch việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án kinh tế xã hội thông qua đánh giá việc sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; có cơ chế tuân thủ đất đai trong quy hoạch, đảm bảo hài hòa đất ở, đất giao thông, đất công cộng, khu vui chơi giải trí...

THANH HUYỀN