Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khoá XV: Đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

Hoàng Quý - 18:23, 24/05/2023

Chiều 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khoá XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình của Chính phủ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình của Chính phủ

Tại phiên họp, các Đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình của Chính phủ về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022.

Theo đó, trong năm 2022, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau dịch Covid-19, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (trong đó có quy định giảm mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hầu hết các mặt hàng đang chịu thuế suất 10% xuống còn 8%; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất và trước tình hình biến động của giá xăng, dầu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp...

Có thể thấy trong thời gian qua và đặc biệt là năm 2022 với nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí nhằm giảm nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp, người dân được triển khai thực hiện với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng, đã góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của doanh nghiệp, người dân, qua đó đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước. Mặc dù kết quả thu ngân sách nhà nước của năm 2022 là tích cực, nhưng từ cuối năm 2022 và đặc biệt những tháng đầu năm 2023 đã cho thấy xu hướng giảm.

Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023 và trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết...

Theo đó, năm 2023 Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% quy định tại điểm a khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra

Đồng tình với đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng việc ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng để tiếp tục hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ Quý IV/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023 là hết sức cần thiết.

Về nội dung của chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội như đề nghị của Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ cho người dân và khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế đang có những dấu hiệu suy giảm và các khu vực sản xuất, kinh doanh hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về tác động của việc giảm thuế để bảo đảm đạt được mục tiêu đặt ra khi đề xuất ban hành chính sách như kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước,…

Về tác động chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế và nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 dự kiến còn nhiều khó khăn, đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn về phương án, giải pháp bù đắp các khoản giảm thu này ngoài các biện pháp về tăng cường công tác quản lý để bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối của ngân sách trong phạm vi bội chi ngân sách nhà nước 2023 đã được Quốc hội thông qua. Đồng thời, trong quản lý thu thuế giá trị gia tăng, đề nghị Chính phủ khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc trong công tác hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm gỗ để tránh gây ứ đọng vốn và ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp do không được hoàn đối với số thuế đầu vào đã nộp.