Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Krông Pắc (Đắk Lắk): 58 hộ được tiếp cận vốn vay ưu đãi theo Chương trình MTQG 1719

Anh Đức - Nguyễn Quyền - 04:37, 29/06/2023

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), UBND huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) vừa phê duyệt quyết định cho vay vốn hỗ trợ làm nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, với tổng số vốn gần 3,5 tỷ đồng.

58 hộ được tiếp cận vốn vay ưu đãi theo Chương trình MTQG 1719 tại huyện Krông Pắc
58 hộ được tiếp cận vốn vay ưu đãi theo Chương trình MTQG 1719 tại huyện Krông Pắc

Đối tượng tiếp cận nguồn vốn vay này là hộ nghèo DTTS; hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trong đợt này có 36 hộ có quyết định của UBND huyện Krông Pắc được vay vốn để mua đất sản xuất với mức vay 50 - 77,5 triệu đồng/hộ; 22 hộ được vay vốn làm nhà ở với mức vay 40 triệu đồng/hộ. Thời hạn cho vay tối đa là 15 năm, lãi suất 3%/năm. Các khoản vay sẽ được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện tiến hành giải ngân trong tháng 6 và tháng 7/2023.

Ông Huỳnh Đức Mười - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, trong năm 2022, Ngân hàng CSXH huyện Krông Pắc đã giải ngân 1.995 triệu đồng cho 29 hộ đồng bào DTTS vay vốn hỗ trợ học nghề và chuyển đổi nghề theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP. Các hộ được vay 40 - 90 triệu đồng để thực hiện cải tạo vườn cà phê và nuôi bò sinh sản. Mức lãi suất ưu đãi chỉ 3,3%/năm với thời hạn vay tối đa là 10 năm.

Việc triển khai các nguồn vốn vay ưu đãi theo Chương trình MTQG 1719 thời gian qua đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và Ngân hàng CSXH, bảo đảm cho vay đúng đối tượng, công khai, minh bạch, sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả. Qua đó tạo điều kiện cho hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi có thêm kinh phí đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.