Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kon Tum: Xây dựng 27 mô hình Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới

Ngọc Chí - 20:30, 03/08/2023

Triển khai từ năm 2018, đến nay, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum đã xây dựng được 27 mô hình “Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới” ở 10/10 huyện, thành phố.

Hội viên phụ nữ ở các "Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới" thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất
Hội viên phụ nữ ở các "Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới" thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất


Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Kon Tum, sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới”, các cấp Hội Phụ nữ đã linh hoạt, sáng tạo, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với thực tiễn của địa phương, gắn kết và thực hiện hiệu quả 11 tiêu chí của “Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới” với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Các “Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới” có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, cụ thể: Các hội viên phụ nữ tích cực tham gia xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường; sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo quy định; phụ nữ DTTS tại địa phương phát huy năng lực, vai trò nòng cốt của hội viên phụ nữ chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền xây dựng các tiêu chí nông thôn mới...

Các Hội viên phụ nữ giúp nhau trong sản xuất
Các Hội viên phụ nữ giúp nhau trong sản xuất

Tỉnh Kon Tum hiện có 43 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 54%; có 7 DTTS tại chỗ gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gié Triêng, Gia Rai, Hrê, Brâu và Rơ Măm. Theo Nghị quyết số 66/NQ-HĐND ngày 30/12/2019 của HĐND tỉnh Kon Tum về việc sắp xếp, sáp nhập, tổ chức lại và đổi tên các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 503 thôn, làng đồng bào các DTTS tại chỗ. 

Nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa Đề án này, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hội viên, phụ nữ, tăng cường kết nối và huy động các nguồn lực để hỗ trợ cho các làng, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu mà Đề án đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025; phối hợp với địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí thực hiện các tiêu chí về giao thông, nhà ở, việc làm; tăng cường kết nối, huy động các nguồn lực duy trì bền vững các tiêu chí đối với các làng đã đạt chuẩn và tiếp tục nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh.