Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kon Tum: Sức lan tỏa ngoài mong đợi của những Hội thi cồng chiêng cấp xã

Huỳnh Đại - 16:20, 09/09/2022

Tại thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum), công tác giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của cồng chiêng luôn được chú trọng. Trong đó, việc tổ chức Hội thi cồng chiêng cấp xã là hoạt động ý nghĩa, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, thu hút đông bảo bà con người DTTS tham dự, tham gia dự thi, biểu diễn, giao lưu.

Tái hiện Lễ mừng lúa mới của đồng bào Gia Rai tại xã Ia Chim, thành phố Kon Tum
Tái hiện Lễ mừng lúa mới của đồng bào Gia Rai tại xã Ia Chim, thành phố Kon Tum

Người dân quan tâm đến nghệ thuật cồng chiêng

Xã Ia Chim là xã vùng ven, nằm phía Tây, cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 13 km. Toàn xã có 11 thôn làng, trong đó: có 02 thôn Kinh và 09 thôn DTTS; xã có 2.597 hộ, với 10.756 nhân khẩu, trong đó, hơn 70% là người DTTS, chủ yếu là người Gia Rai sinh sống. 

Trực tiếp chứng kiến Hội thi tại xã Ia Chim, chúng tôi vô cùng ấn tượng với không khí vui tươi, phấn khởi, náo nhiệt của Hội thi và sự hứng thú của người dân với các tiết mục tham gia hội thi. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Ia Chim cho biết: “ Khi biết xã sẽ tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang, bà con rất háo hức.Từ đó mà lần đầu tiên tổ chức, đã có sự tham gia đầy đủ của 09 thôn làng DTTS và 02 thôn người Kinh. cũng có những tiết mục giao lưu ”.

Lễ bỏ mã được tái hiện trong Hội thi cồng chiêng, xoang xã Ia Chim lần thứ I năm 2022
Lễ bỏ mã được tái hiện trong Hội thi cồng chiêng, xoang xã Ia Chim lần thứ I năm 2022

Có thể nói, đây là một hội thi cấp xã có quy mô lớn nhất và thu hút đông đảo các đội tham gia và người dân đến cổ vũ, nhảy múa, giao lưu cồng chiêng nhất. Theo ghi nhận, Hội thi có hơn 300 nghệ nhân, diễn viên quần chúng của 09 đội cồng chiêng, múa xoang thuộc 9 thôn người DTTS người Gia Rai trên địa bàn xã Ia Chim; ngoài ra còn có 2 đội văn nghệ của 2 thôn người kinh cũng đóng góp các tiết mục tham gia giao lưu; thu hút gần 1000 người dân trên địa bàn xã tham gia cổ vũ. 

Mặc dù, tại thời điểm diễn ra Hội thi thời tiết không được thuận lợi, có mưa nhỏ nhưng các đội tham gia dự thi đã nỗ lực, quyết tâm và cống hiến nhiều bài chiêng, múa xoang đặc sắc, thu hút đông đảo người dân trên địa bàn hưởng ứng, tham gia cổ vũ.

Độc đáo những điệu cồng chiêng, múa xoang được biểu diễn tại Hội thi cấp xã, phường
Độc đáo những điệu cồng chiêng, múa xoang được biểu diễn tại Hội thi cấp xã, phường

Còn tại phường Thống Nhất, Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tham gia Hội thi có 2 đội cồng chiêng, xoang đến từ 2 thôn đồng bào DTTS trên địa bàn phường là Kon H’ra Chót và Kon Tum Kơ Nâm. Mỗi đội có hơn 20 nghệ nhân, diễn viên không chuyên là đàn ông, phụ nữ và thanh thiếu nhi. Đội cồng chiêng, xoang thôn Kon H’ra Chót và Đội cồng chiêng, xoang thôn Kon Tum Kơ Nâm đã biểu diễn những tiết mục đánh cồng chiêng và múa xoang đặc sắc thường sử dụng trong những dịp lễ hội, sự kiện của các thôn; qua đó, có sức cuốn hút mạnh đối với người xem và để lại nhiều ấn tượng đẹp.

Nhiều bản cồng chiêng đặc sắc, ấn tượng

Các bài chiêng, múa xoang đều có những nét đặc trưng riêng về ý nghĩa, tiết tấu, giai điệu đã để lại những ấn tượng rất lớn, nó gắn liền với truyền thống, bản sắc đặc trưng của người đồng bào DTTS, nét đẹp trong sinh hoạt thường ngày, lao động sản xuất, làm nương rẫy như: Lễ hội mừng Nhà rông mới, Lễ hội đâm trâu, Lễ hội mừng lúa mới, Lễ hội bỏ mả (người Gia Rai gọi là Pơ thi), Lễ hội nước giọt….

Ông A Byang - Đội cồng chiêng làng Plei Lay, xã Ia Chim cho biết, đội cồng chiêng của làng tham gia hội thi 42 người, trong đó có 1 người đánh trống, 23 người đánh cồng chiêng, 18 người múa xoang. Đội tham gia đánh bài cồng chiêng của lễ hội bỏ mả Pơ Thi, đây là lễ hội lớn của người Gia Rai và là nghĩa vụ cuối cùng mà người sống làm cho người chết, Lễ hội này cũng không thể thiếu giai điệu cồng chiêng, múa xoang. Ông A Byang cho biết : “Theo quan niệm của người Gia Rai chúng tôi, người sống và người chết có những ràng buộc đặc biệt, mặc dù đã chết nhưng khi còn ở nghĩa địa cạnh làng thì hàng ngày những người sống phải mang cơm, rượu để nuôi người chết đến sau khi làm Lễ bỏ mả đưa linh hồn về với tổ tiên mới thôi. Thời gian tổ chức lễ bỏ mả là 4 ngày : Ngày thứ nhất là ngày vào hội, ngày thứ 2 là ngày vỡ hội, ngày thứ 3 là ngày rửa nồi, ngày thứ 4 là ngay giải phóng cho người góa bụa. Sau khi kết thúc phần nghi lễ phần hỗi sẽ diễn ra tưng bừng đến tận sáng hôm sau, người dự lễ được chủ nhà tiếp đãi rượu, thịt, cơm lam, tham gia đánh cồng chiêng, múa xoang.”

Nhiều tiết mục độc đáo, hấp dẫn của các đội mang đến Hội thi
Nhiều tiết mục độc đáo, hấp dẫn của các đội mang đến Hội thi

Bên cạnh đó, các bài múa xoang, đánh cồng chiêng mừng các lễ hội Nhà rông mới, Lễ hội đâm trâu, Lễ hội mừng lúa mới, Lễ hội nước giọt,… cũng có những bài cồng chiêng, múa xoang dành riêng. Ông A Dưch - Đội trưởng đội cồng chiêng thôn Lâm Tùng, xã Ia Chim cho biết : Lễ hội mừng lúa mới là một trong những lễ hội lớn của người dân tộc Gia rai, diễn ra vào khoảng tháng 11 dương lịch hoặc sau Tết Nguyên đán. Khi vụ mùa xong xuôi, thóc đã được phơi khô và đưa vào nhà. Lễ hội này chúng tôi cũng đáng cồng chiêng, múa xoang tại làng, các bài cồng chiêng múa xoang với tiết tấu nhanh, vui tươi được, phấn khởi. Qua đây để tạ ơn Giàng đã ban một mùa lúa thóc bội thu và tiếp tục cầu mong năm sau lại được mùa bội thu, bà con no ấm.”

Ngoài ra, tình yêu lứa đôi cũng được khắc họa qua những bài múa xoang hết sức đặc sắc. Ông A Kiệt, Trưởng thôn Kon Rơ Wang, phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) đã chọn bài đánh cồng chiêng, múa xoang với chủ đề “chàng trai cô gái yêu nhau” để cho làng tham gia Hội thi cồng chiêng của làng. Kể về ý nghĩa của bài đánh cồng chiêng này, ông A Kiệt cho biết : “Ngày xưa ông bà người Ba Na chủ yếu lên rừng, lên rẫy để lao động sản xuất. Tình yêu lứa đôi của họ cũng rất mộc mạc, chất phác và bình dị. Khi một chàng trai đem lòng yêu thích một cô gái nào đó nhưng vì e ngại không dám ngỏ lời thì đã tìm cách thể hiện qua hành động rủ nhau lên nương mỗi sáng, xuống núi vào mỗi buổi chiều bằng tiếng hú lớn, vang vọng khắp núi rừng “Ah hú….”. Rồi những lúc muốn gặp nhau, hẹn hò thì tiếng hú cũng là “ám hiệu” quan trọng”. Bài đánh cồng chiêng “chàng trai cô gái yêu nhau” vì thế khi bắt đầu và kết thúc phải có tiếng “Ah hú….” rất lớn và đồng thanh của tất cả những người tham gia, nó cổ vũ cho tình yêu của chàng trai, cô gái người Bana; tiết tấu nhanh, động tác đánh cồng chiêng, múa xoang phải mạnh mẽ, dứt khoát thể hiện cho sức mạnh của tuổi trẻ, tình yêu chớm nở của tuổi mới lớn.

Thế hệ trẻ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cho dân tộc mình
Thế hệ trẻ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cho dân tộc mình

Hội thi cồng chiêng, múa xoang được tổ chức rộng rãi tại các xã phường, xã có đồng bào DTTS sinh sống là hoạt động văn hóa rất ý nghĩa, góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum. Nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, di sản văn hóa cồng chiêng, múa xoang nói riêng, nhất là thế hệ trẻ đồng bào các DTTS; tạo môi trường giao lưu, phát triển văn hóa, giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn thành phố đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế, du lịch tại địa phương.