Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kon Tum: Phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ngọc Chí - 07:20, 27/12/2024

Kon Tum là vùng đất nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, nơi có ngã ba Đông Dương tiếp giáp với nước bạn Lào và Campuchia; có hệ sinh thái vô cùng phong phú, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc và 43 dân tộc anh em cùng sinh sống. Do đó, Kon Tum được biết đến như vùng đất của thiên nhiên, văn hóa và lễ hội, nơi mà đất và người hòa quyện, bình yên, khoáng đạt đến vô cùng. Với những lợi thế đó, tỉnh Kon Tum đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc gia và tỉnh đề ra nhiều giải pháp để phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

Du lịch cộng đồng là điểm nhấn

Với nỗ lực phát triển du lịch một cách mạnh mẽ không ngừng nghỉ để đưa Kon Tum trở thành một điểm đến không thể thiếu trên cung đường Tây Nguyên của du khách trong và ngoài nước, những năm qua, các cấp, ngành tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hỗ trợ để đồng bào DTTS xây dựng các làng du lịch cộng đồng, bởi đây là tiềm năng lớn chưa được phát huy.

Cùng với đó, tỉnh tổ chức các tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ hướng dẫn viên là người DTTS, cán bộ quản lý làm công tác du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch trên nền tảng số, giúp du khách có thêm thông tin quý báu trong hành trình khám phá vẻ đẹp mảnh đất và con người nơi đây.

Với 43 dân tộc cùng sinh sống và văn hóa truyền thống đặc sắc là lợi thế lớn để tỉnh Kon Tum phát triển du lịch cộng đồng
Với 43 dân tộc cùng sinh sống và văn hóa truyền thống đặc sắc là lợi thế lớn để tỉnh Kon Tum phát triển du lịch cộng đồng

Anh A Kâm, Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, xã Đắk Rơ Wa, Tp. Kon Tum chia sẻ: Làng Kon Kơ Tu có 146 hộ, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đến nay hơn 40% bà con tham gia làm du lịch. Các hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng phòng nghỉ, thiết kế các tour du lịch với các hình thức trải nghiệm hấp dẫn như: Diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, trải nghiệm nghề đan lát, dệt thổ cẩm và chèo thuyền dọc sông Đắk Bla.

Với sự đầu tư bài bản, vài năm trở lại đây, Kon Tum nổi lên trên bản đồ du lịch với sức hấp dẫn mạnh mẽ nhờ nhiều điểm đến hoang sơ, những lễ hội truyền thống nhiều màu sắc, ẩm thực đặc sắc, kiến trúc làng độc đáo, giao lưu văn hóa cồng chiêng và nhiều tour khám phá thiên nhiên gắn với dòng sông Đắk Bla huyền thoại…

Du khách thích thú khi được khám phá những thác nước đẹp và hùng vĩ ở vùng đất Kon Tum
Du khách thích thú khi được khám phá những thác nước đẹp và hùng vĩ ở vùng đất Kon Tum

Chị Nguyễn Thị Thanh, du khách đến từ tỉnh Đồng Nai chia sẻ: Đến Kon Tum du lịch được đón tiếp bởi những người dân hiền lành, thật thà, thân thiện, mến khách cùng tính cách khoáng đạt của đồng bào Tây Nguyên, nhưng cũng không kém phần chuyên nghiệp. Được thăm quan những thắng cảnh đẹp và văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS.

Đến nay, tỉnh Kon Tum đã công nhận 13 điểm du lịch và 1 khu du lịch cấp tỉnh. Các sản phẩm và dịch vụ du lịch của tỉnh ngày càng phong phú và đa dạng, có nhiều sản phẩm xây dựng được thương hiệu trong khu vực và cả nước. Năm 2024, tổng lượt khách đến tỉnh Kon Tum ước đạt 2,3 triệu, với số lượng khách quốc tế tăng lên 8.500 lượt.

Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trong thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực phục vụ cho phát triển du lịch bền vững và hiệu quả. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ, hướng dẫn hơn 110 lượt nhà đầu tư, doanh nghiệp đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các vùng kinh tế động lực. Kết quả đáng khích lệ là đã thu hút được 18 dự án mới với tổng vốn đầu tư hơn 2.214 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đang còn hiệu lực lên 153 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 36.602 tỷ đồng.

Cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Capuchia được nhiều du khách lựa chọn là điểm đến khi đến với tỉnh Kon Tum
Cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Capuchia được nhiều du khách lựa chọn là điểm đến khi đến với tỉnh Kon Tum

Bà Bạch Thị Mân - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết: Để đạt được mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, tỉnh Kon Tum đã đề ra định hướng phát triển và nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại các khu vực Măng Đen, Ngọc Linh, Chư Mom Ray; phát triển du lịch cộng đồng, kết hợp với khai thác giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Cùng với đó, tỉnh Kon Tum triển khai 40 dự án đầu tư và cải thiện hạ tầng thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch để đáp ứng tốt nhu cầu của du khách.

Để đảm bảo phát triển du lịch bền vững, tỉnh Kon Tum luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích các loại hình du lịch xanh như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và nông nghiệp. Tập trung xây dựng thương hiệu du lịch gắn với các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như sâm Ngọc Linh, cà phê Đăk Hà và các sản phẩm OCOP.

Các bạn trẻ thích thú khi được thăm quan và tự tay hái các loại rau, củ, quả ở các Farm làm du lịch
Các bạn trẻ thích thú khi được thăm quan và tự tay hái các loại rau, củ, quả ở các Farm làm du lịch

Anh Lương Thiên Vũ – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại, Dịch vụ và Du lịch nông trại Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cho biết: Du lịch nông nghiệp hiện nay đang phát triển ở tỉnh Kon Tum. Hiện tại bên Farm của Công ty đang trồng các loại rau, củ, quả xứ lạnh như: Ớt chuông, cà chua bi, dưa leo, dưa, dâu tây và các loại rau, củ, quả khác nữa. Khách thăm quan người ta rất thích thu hoạch tại vườn.

Gần đây nhất, Kon Tum đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch năm 2024. Sự kiện này tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh Kon Tum kết nối với các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp tăng cường hợp tác phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến để thu hút du khách đến với Kon Tum, góp phần đưa tỉnh Kon Tum từng bước trở thành trung tâm du lịch xanh, bền vững và hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục
Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, những năm qua, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống được quan tâm hỗ trợ; hệ thống thiết chế văn hóa tại các thôn, xã được đầu tư, xây dựng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống Nhân dân.