Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kon Tum: Nhiều hợp tác xã được thành lập và hoạt động hiệu quả

Minh Thu - 08:38, 16/11/2022

Thời gian qua, với sự hỗ trợ của các cấp, ngành và địa phương, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã hình thành được nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Các HTX đã liên kết chặt chẽ với các thành viên, hộ gia đình để có nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và các HTX, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Sản xuất rau hữu cơ tại HTX Thanh niên Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: QĐ
Sản xuất rau hữu cơ tại HTX Thanh niên Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: QĐ

Đổi mới để phát triển

Trong thời gian qua,  huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã có hàng chục hợp tác xã (HTX) được thành lập, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Các HTX này đều tích cực tìm các giải pháp đầu tư, đổi mới phương thức hoạt động để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Điển hình như HTX Rau hoa và du lịch Thanh niên thị trấn Măng Đen (HTX Thanh niên Măng Đen). Được thành lập năm 2012, đến nay, HTX có 2 cơ sở sản xuất rau an toàn theo phương pháp hữu cơ ở thị trấn Măng Đen và xã Măng Cành được đầu tư hệ thống tưới nước tự động; sản xuất các loại rau, củ, quả như cà chua, cà rốt, ớt chuông, su su, xà lách, rau cải... Mỗi tháng, HTX sản xuất trên 10 tấn sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Trần Ngọc Diệp, Giám đốc HTX Thanh niên Măng Đen cho biết: Hiện, 99% sản phẩm của HTX được tiêu thụ hết tại thị trường TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. HTX đảm bảo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Những công nhân ở xa còn được HTX lo chỗ ăn, chỗ ở.

Tại xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, HTX Nông nghiệp Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (HTX Sáu Nhung) hiện có 32 thành viên chính thức và 81 hộ thành viên liên kết sản xuất 300ha cà phê. HTX chịu trách nhiệm quy hoạch diện tích, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn sạch mà các tổ chức hiệp hội cà phê ban hành. Cung ứng dịch vụ đầu vào như cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu mua bao tiêu 100% sản lượng cho thành viên với giá cao hơn giá thị trường khoảng 15%.

Không chỉ tập hợp các hộ dân thực hiện sản xuất cà phê, HTX Sáu Nhung còn thu hoạch sơ chế, chế biến cà phê và tìm kiếm thị trường. Các thành viên khi tham gia HTX đã khắc phục tình trạng sản xuất cà phê manh mún, nhỏ lẻ và tập trung nguồn lực, đặc biệt là đất đai để sản xuất lớn. HTX Sáu Nhung cũng đã đại diện cho hộ nông dân thực hiện liên kết với doanh nghiệp, thực hiện các quy trình sản xuất an toàn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường…

HTX Thần Nông, xã Ia Chim, TP. Kom Tum với mô hình sản xuất nông sản sạch. Ảnh: H.N
HTX Thần Nông, xã Ia Chim, TP. Kom Tum với mô hình sản xuất nông sản sạch. Ảnh: H.N

Hỗ trợ các HTX phát triển

Đánh giá về hiệu quả của kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn trong thời gian qua, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khẳng định: Thời gian qua, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng HTX, tổ hợp tác thành lập mới tăng qua các năm. Các HTX ngày càng năng động hơn với cơ chế thị trường, tự chủ trong tổ chức hoạt động và có những đóng góp ngày càng thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý điều hành từng bước được củng cố và lớn mạnh, đã hình thành các mô hình HTX tiên tiến, thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh hiện có 157 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng 31 HTX so với năm 2021 (trong đó, có 29 HTX trồng và chế biến cây gia vị, dược liệu) với tổng số 2.109 thành viên và 600 lao động thường xuyên. Thu nhập bình quân 45 triệu đồng/người/năm. Doanh thu bình quân 1,1 tỷ đồng/HTX/năm. Lợi nhuận bình quân 235 triệu đồng/HTX/năm.

Để hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển, từ nay 2015 đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách, cụ thể: tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực quản lý HTX cho 895 lượt người; Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi) cho 19 HTX với kinh phí gần 5,7 đồng; Hỗ trợ mua máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến cho 24 HTX, tổ hợp tác với tổng kinh phí 6,943 tỷ đồng; Hỗ trợ 43 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với kinh phí trên 23 tỷ đồng…

Trong năm 2022, lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh Kon Tum đã phân bổ kinh phí để các địa phương thực hiện; trong đó, ưu tiên hỗ trợ cho các HTX triển khai thực hiện. Cụ thể, hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX 1,1 tỷ đồng; Hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác thực hiện các dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị 29,273 tỷ đồng.

Để các hợp tác xã nông nghiệp phát triển hiệu quả hơn nữa, tỉnh Kon Tum xác định tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phát triển HTX trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Tăng cường công tác đào tạo nhân lực đội ngũ cán bộ quản lý HTX; Hỗ trợ thúc đẩy thúc đẩy HTX nông nghiệp tham gia liên kết với doanh nghiệp và các hộ nông dân; Đẩy mạnh hỗ trợ HTX nông nghiệp kết nối thị trường đầu vào, đầu ra, liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ thông qua nhiều hình thức khác nhau, hỗ trợ xây dựng cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩmnhằm đẩy mạnh cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường, đổi mới phương thức chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao cho các hợp tác xã nông nghiệp.

Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ HTX sản xuất quy mô lớn theo tiêu chuẩn chất lượng gắn với ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa và liên kết chuỗi giá trị; hỗ trợ HTX tập trung ruộng đất để sản xuất theo quy mô lớn thuận lợi cho ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi giá trị. Đồng thời, thúc đẩy phát triển HTX nông nghiệp từ các tổ hợp tác, nhóm nông dân hoạt động tốt, hiệu quả; Củng cố công tác quản trị của các HTX theo hướng công khai, minh bạch; Hỗ trợ HTX phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các hoạt động ở công đoạn sau thu hoạch như sơ chế, chế biến và thương mại sản phẩm.