Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Kon Tum lại “nóng” tình trạng phá rừng

HOÀNG ANH TRẦN - 14:19, 23/04/2019

Thực hiện Chỉ thị 1685 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ, thời gian qua, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị chức năng, đặc biệt là lực lượng Kiểm lâm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, không để tái diễn tình trạng “chảy máu” rừng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, rừng ở Kon Tum vẫn đang từng ngày chảy máu mặc cho nỗ lực của các ngành chức năng…

Tổ công tác của Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung phối hợp với Đồn Biên phòng Dục Nông bắt giữ 2 xe vận chuyển gỗ lậu. Tổ công tác của Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung phối hợp với Đồn Biên phòng Dục Nông bắt giữ 2 xe vận chuyển gỗ lậu.

Gian nan giữ rừng

Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, liên tiếp nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn Kon Tum đã được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng phá rừng lại có chiều hướng gia tăng và diễn ra hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn, hình thức khác nhau.

Điển hình, chỉ riêng trong ngày 22/3, Tổ công tác của Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) miền Trung thuộc Cục PCMT&TP Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ trì, phối hợp với Đồn Biên phòng Dục Nông thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Kon Tum tiến hành kiểm tra, phát hiện 2 vụ vận chuyển gỗ không có giấy tờ hợp lệ, tịch thu 14,4m3 gỗ.

Tiếp đó, ngày 26/3, tại đoạn đường qua thôn Plei Weh, xã Ya Chim, TP. Kon Tum, lực lượng làm nhiệm vụ của Hạt Kiểm lâm TP Kon Tum phối hợp lực lượng chức năng mật phục, bắt giữ xe tải BKS 72L-2870 chở 16 lóng gỗ tròn không có dấu búa Kiểm lâm lưu thông trên Tỉnh lộ 671. Khi bị truy đuổi, tài xế ô tô dừng xe và chạy trốn khỏi hiện trường. Tiếp tục kiểm tra cách hiện trường chừng 3km, lực lượng chức năng phát hiện tại khu vực lòng hồ thủy điện Ya Ly cũng thuộc địa bàn thôn Plei Weh có 7 lóng gỗ tròn, tổng khối lượng hơn 3m3...

Theo Trung tá Nguyễn Thành Nhơn, Phó đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng, tình trạng phá rừng trái pháp luật có chiều hướng gia tăng và diễn ra hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn, hình thức khác nhau.

Cần có biện pháp mạnh

Tại Kom Tum, tình trạng lâm tặc phá rừng và người dân địa phương lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, làm trang trại đang ngày càng phức tạp hơn khi người dân tập hợp đông người và sẵn sàng chống đối, cản trở lực lượng chức năng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết: Trong quý I/2019, lực lượng chức năng đã phát hiện 206 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng; khối lượng vi phạm trên 1.423m3 gỗ quy tròn các loại; trên 6,7ha đất lâm nghiệp. So với cùng kỳ năm 2018, tăng 67 vụ; khối lượng vi phạm tăng trên 1.000m3 gỗ quy tròn các loại; diện tích đất vi phạm tăng trên 1,8ha. Các cơ quan chức năng đã xử lý 156 vụ; thu giữ trên 625m3 gỗ quy tròn các loại; 7 xe ô tô, 1 xe máy, 1 cưa xăng. Xử phạt bằng tiền gần 1,4 tỷ đồng; tiền bán lâm sản, phương tiện tịch thu 125 triệu đồng.

Trước tình hình này, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, chính quyền địa phương đã nắm được các vụ việc và đang triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn việc lâm tặc phá rừng và người dân phá rừng làm nương rẫy, quan điểm của UBND tỉnh là không bao che, không dung túng cho bất cứ các hành vi vi phạm pháp luật nào liên quan đến công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ rừng.

“UBND tỉnh Kon Tum đã giao Hạt Kiểm lâm phối hợp các ngành chức năng xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm. Trước mắt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý các đối tượng theo đúng quy định pháp luật. Về lâu dài sẽ kiên quyết áp dụng chế tài không cho các đối tượng phá rừng sử dụng đất trồng cây khác, dần tái tạo diện tích rừng đã mất”, ông Tháp khẳng định.

Tuy nhiên, có thể thấy áp lực giữ rừng đang đè nặng lên những đơn vị, ngành chức năng quản lý, bảo vệ rừng nơi đây khi người dân ồ ạt kéo nhau phá rừng, bất chấp quy định pháp luật. Các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân cũng như xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, như vậy mới mong giữ được những cánh rừng còn lại nơi đây.